7-Eleven: Thế lực trước cửa
7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi rất thành công trên thế giới sẽ tiến vào Việt Nam. Đây không còn là điều nghi ngờ nữa dù rằng khả năng 7-Eleven thâu tóm chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ là không xảy ra, như khẳng định mới đây từ phía Vingroup.
Theo Nikkei (Nhật), cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven sẽ được khai trương tại TP.HCM, nhiều thông tin là vào tháng 2.2018. 7-Eleven đặt mục tiêu đạt 100 cửa hàng trong 3 năm nữa và con số này sẽ gấp 10 lần trong một thập niên tới. 7-Eleven dự kiến vào thị trường Việt Nam theo cả hai hướng: tự mở cửa hàng và mua lại các cửa hàng tiện lợi đang có mặt ở Việt Nam.
Nghĩa là 7-Eleven có thể triển khai ý định mua bán và sáp nhập (M&A) với cả các cửa hàng tiện lợi như Shop&Go, Ministop, Circle K, B’s Mart. Đây hầu hết là những tên tuổi đã gây dựng thương hiệu lâu năm và đạt đến quy mô nhất định. Chẳng hạn, Shop&Go (Singapore) có mặt ở Việt Nam trên 10 năm và đến nay, thiết lập được 210 cửa hàng. Riêng Circle K (Mỹ) đặt chân đến Việt Nam từ năm 2008 và kịp xây dựng khoảng 200 cửa hàng tại nhiều nơi như TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu và Hà Nội.
Sự lớn mạnh của các cửa hàng tiện lợi nước ngoài khiến 7-Eleven sẽ khó khăn hơn trong M&A. Bởi vì, xét về đẳng cấp, các chuỗi cửa hàng này đều có vị thế quốc tế. Nếu 7-Eleven phát triển được gần 60.000 cửa hàng và phủ sóng tới Trung Quốc, Nhật, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Indonesia, thì Circle K cũng nổi tiếng toàn thế giới với hơn 15.000 cửa hàng và hoạt động rộng khắp các châu lục. Vì thế, có tin đồn cho rằng, 7-Eleven sẽ hướng sự chú ý đến hệ thống cửa hàng tiện lợi trong nước như Vinmart+, Bách Hóa Xanh.
Dù 7-Eleven có thực hiện phương án M&A được hay không, thì sự hiện diện của tên tuổi này ở Việt Nam sẽ là sự kiện đáng chú ý. Hơn 3 năm trước, thị trường từng xôn xao trước tin Tập đoàn C.P (Thái Lan) sẽ triển khai mô hình đầu tư trực tiếp chuỗi cửa hàng 7-Eleven tại Việt Nam. Bây giờ, bước đi của 7-Eleven ở Việt Nam đã rõ ràng và giới quan sát bắt đầu dự đoán về bức tranh ngành bán lẻ Việt Nam một khi có sự xuất hiện của 7-Eleven.
Đó chắc chắn sẽ là bức tranh cạnh tranh đầy căng thẳng. Bởi vì, 7-Eleven từng rất thành công trong bước đường bành trướng của mình. Từ một xưởng sản xuất nước đá, đến nay, 7-Eleven đã có mặt tại 18 quốc gia. Trong đó, 31% tổng cửa hàng đặt tại Nhật. Tốc độ phát triển của 7-Eleven mạnh mẽ đến mức, 10 năm trước, Huffington Post từng thống kê được rằng, cứ 2 tiếng lại có một cửa hàng mới của doanh nghiệp này mở cửa và mức độ phổ biến của 7-Eleven đã vượt qua cả McDonald’s. Ngay Walmart và Target cũng phải học theo 7-Eleven trong mở rộng hoạt động.
Ở Việt Nam, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Robenny khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng: “Sự hiện diện của 7-Eleven, nếu khiến ai phải lo lắng nhất thì đó là các công ty nước ngoài”. Thất bại của Parkson tại Việt Nam đã cho thấy, các đơn vị đến sau vẫn có khả năng chiếm lĩnh thị trường, nhờ vào tiềm lực và kinh nghiệm thâm nhập của họ.
7-Eleven rất thành công tại thị trường các nước Đông Nam Á. Ảnh: phiphi.phuket.com
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đạt 109,8 tỉ USD trong năm 2015, tăng 2,4 lần so với 5 năm trước và dự kiến sẽ đạt 179 tỉ USD trong năm 2020. Cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường hàng hóa và thương mại điện tử cũng hứa hẹn những nguồn cung mới, hấp dẫn và hiệu quả cho thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam. Con số này đủ sức thu hút những “thế lực” bán lẻ như 7-Eleven gia nhập thị trường Việt Nam. Để đương đầu với 7-Eleven sớm muộn gì cũng đến Việt Nam, từ vài năm trước, các cửa hàng tiện lợi đã tích cực tăng tốc.
Ngoài gia tăng số lượng cửa hàng, các đơn vị còn tìm kiếm những cách thức, thế mạnh riêng nhằm thu hút khách hàng. Chẳng hạn, ưu thế lâu nay của Shop&Go là vị trí ngay trung tâm, dễ nhìn thấy, phục vụ 24/24. Bên cạnh bán các mặt hàng tiêu dùng, đồ ăn, ở Shop &Go còn cung cấp các dịch vụ tiện ích như máy rút tiền tự động ATM, thẻ nạp điện thoại… Đối với Ministop, lợi thế là vốn và sự hậu thuẫn từ Sojitz, tập đoàn sở hữu trên 20 công ty thành viên đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ ở Việt Nam.
Còn Circle K chinh phục khách hàng bằng tiêu chí 4F (Fresh - tươi; Friendly - thân thiện, Fast - nhanh và Full - đầy đủ) và phong cách trẻ trung, hợp mốt. Với B’s Mart, khác biệt ở sự đa dạng của thức ăn và phong cách phục vụ Thái Lan. Chuỗi cửa hàng tiện lợi nội địa như Vinmart+ của Vingroup cũng chạy đua theo hướng xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín, tạo ra những sản phẩm riêng, tìm cách phủ sóng hệ thống bán lẻ đến tận các huyện thị trên cả nước. Trong khi đó, Vingroup cũng có kế hoạch mở 400 trung tâm mua sắm vào cuối năm 2019, cũng như các cửa hàng thiết bị gia dụng. Công ty đặt mục tiêu tăng doanh số bán lẻ như là một phần của tổng doanh thu từ 20% lên 50% trong vòng một vài năm. Đại diện của Vingroup cho rằng, điều quan trọng là có được vị trí cửa hàng tốt trước khi các công ty nước ngoài vào và Công ty chấp nhận nếu 30% các cửa hàng mới không có lời trong giai đoạn đầu mới mở cửa.
Rõ ràng, trong một thị trường cạnh tranh như vậy, để chiếm lĩnh thị phần dẫn đầu, 7-Eleven sẽ cần triển khai nhiều giải pháp khác biệt. Nhất là khi chuỗi cửa hàng tiện lợi này không phải luôn thắng lợi tại các thị trường. Điển hình vào năm ngoái, 20 cửa hàng 7-Eleven ở Úc bị người tiêu dùng tẩy chay và gặp áp lực phải đóng cửa do dính líu đến bê bối ăn chặn tiền công của nhân viên. Tuy nhiên, vì 7-Eleven nổi tiếng về các ý tưởng mới lạ và hãng này sẽ đưa mô hình 7-Eleven tại Nhật vào Việt Nam nên mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo rất khốc liệt.
Theo thông tin công bố, mô hình 7-Eleven Nhật là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất, mang tính hình mẫu của 7-Eleven. Tại đây, ngoài bán đồ dụng cơ bản và thức ăn ngon, 7-Eleven còn trang bị lò vi sóng hâm nóng tại chỗ, tạo không gian mát mẻ, miễn phí internet, được phục vụ tận tình. Đặc biệt, 7-Eleven tại Nhật được xem như tổ hợp “All in one” khi vừa là tiệm ăn, cửa hàng bách hóa, vừa cũng là ngân hàng, tiệm photo, sạp báo... Với thị trường Mỹ, mô hình này tương tự với các cửa hàng tạp hóa nhưng hấp dẫn ở món đồ uống nổi tiếng Slurpee.
Tại Indonesia, 7-Eleven hoạt động giống với quán cà phê, phục vụ chủ yếu khách hàng trẻ, có Wi-Fi miễn phí, có bàn ghế để ngồi cả bên trong lẫn bên ngoài, đôi khi có cả “nhạc sống”. Tại Đài Loan, 7-Eleven còn phổ biến hơn cả Starbucks (Mỹ) vì ngoài phục vụ đồ ăn đồ uống, khách còn có thể thanh toán thẻ tín dụng, đặt vé du lịch, mua các thiết bị điện tử nhỏ hay bơm xe. Đặc biệt hơn, Đài Loan còn cho phép người dân mua vé tàu, trả thuế, trả tiền phiếu khám sức khỏe cơ bản tại các cửa hàng 7-Eleven này.
Cách thức này, cộng thêm 7-Eleven có riêng bộ phận chuyên phân tích các dữ liệu khách hàng để thường xuyên điều chỉnh sản phẩm và cách trưng bày, có những hàng hóa bán theo mùa... đã giúp 7-Eleven nhanh chóng chinh phục người tiêu dùng, nhất là ở châu Á. Ông Robert Trần còn nhấn mạnh, với sức mạnh của mình, 7-Eleven có lợi thế hơn hẳn các đối thủ khi định ra mức giá bán cạnh tranh nhất. Vị thế của 7-Eleven ở tầm toàn cầu cho phép họ đàm phán với nhà cung cấp mua sản phẩm chất lượng với giá rẻ nhất.
Trong bàn cân cạnh tranh, các đối thủ của 7-Eleven tại Việt Nam sẽ phải có những chiến lược tương thích. Điều này tuy tạo sức ép cạnh tranh khốc liệt nhưng đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Hơn hết, sự hiện diện của 7-Eleven buộc các công ty phải nỗ lực cải thiện hơn để nắm lấy cơ hội. Theo Nielsen, cơ hội mở rộng của hình thức cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam sẽ vẫn nhiều, do tỉ lệ người dân trên 1 cửa hàng tiện lợi của Việt Nam còn thấp (69.000 người/cửa hàng) trong khi con số này của Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc là 1.800 người.
Viết Nguyên