78.000 tỷ đồng đầu tư 22 cảng hàng không đến 2025, ACV sẽ hoàn toàn tự chủ
Chủ tịch ACV: Chắc chắn có việc lấy sân golf để triển khai cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất | |
ĐHĐCĐ ACV: Thoái vốn nghiêng về phương án đấu giá công khai hơn tìm cổ đông chiến lược |
Điều kiện tiên quyết để niêm yết HOSE liên quan đến cơ chế quản lý khu bay
Chủ tịch Lại Xuân Thanh cho hay chủ trương niêm yết đã được đại hội năm ngoái thông qua. Tuy nhiên, để niêm yết, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) cần đảm bảo ba điều kiện tiên quyết.
Thứ nhất, sau kiến nghị của ACV, Cục thuế TP HCM đang tiến hành quyết toán thuế. Thứ hai, sau khi quyết toán thuế xong, Bộ GTVT quyết toán giá trị ACV sau cổ phần hóa.
Thứ ba và cũng là điều kiện quan trọng nhất liên quan đến cơ chế quản lý khu bay. Khi ACV cổ phần hóa, Nhà nước giữ lại phần khu bay gồm đường hạ cất cánh và đường lăn - tài sản của Nhà nước. Do vậy, phải có cơ chế quản lý và khai thác khu bay. Ông Thanh cho hay, vừa qua Chính phủ thông qua Nghị định 44 quy định giao cho Bộ GTVT xây dựng phương án giao quản lý khu bay cho doanh nghiệp, cụ thể là ACV.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT trình Chính phủ, đề án này cố gắng hoàn thành trong năm nay, điều kiện để ACV có thể niêm yết trên HOSE.
Triển khai nhà ga T3 có thể chia thành 2 giai đoạn
Đầu tư mới nhà ga hành khách T3 – CHK quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng là một trong những dự án trọng điểm ACV triển khai trong năm 2018.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay, đối với lộ trình xây nhà ga T3 của cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng cơ bản đã nhất trí về diện tích đất cũng như vị trí chuyển đổi đất quốc phòng cho Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Thường trực Chính phủ đã thông qua chủ trương định hướng, theo luật, Bộ GTVT sẽ thông qua điều chỉnh quy hoạch.
Ông Thanh khẳng định, trong điều chỉnh quy hoạch lần này chắc chắn có việc lấy sân golf để triển khai một số công trình phụ trợ như kho hàng, logistics và sẽ do Bộ GTVT, Cục Hàng không sẽ triển khai cụ thể, bao gồm cả phương án huy động vốn.
Về mặt chủ trương, Bộ GTVT cũng đã giao ACV chuẩn bị các công việc để ngay sau khi thông qua có thể tiến hành đầu tư. Theo ông Thanh, chắc chắn nhà ga T3 sau khi quy hoạch sẽ triển khai rất nhanh, bởi đây là công trình “giải cứu” Tân Sơn Nhất nên buộc phải thực hiện.
Mức vốn đầu tư dự kiến 9.800 tỷ đồng, ông Thanh cho hay đây là kế hoạch ACV xây dựng dựa theo quy hoạch phát triển giao thông hàng không, với quy mô cảng HKQT Tân Sơn Nhất khoảng 45 triệu hành khách/năm, trong đó nhà ga T3 khoảng 15 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, công suất cụ thể phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, nên T3 có thể lên đến 20 triệu hành khách/năm, qua đó có thể chia thành 2 giai đoạn thực hiện xây nhà ga này.
Kế hoạch đến 2025 đầu tư 78.000 tỷ đồng nâng công suất các CHK lên 210 triệu hành khách/năm
Chia sẻ thêm về kế hoạch 2018-2025, ACV đã xây dựng và trình Bộ GTVT xem xét, ông Thanh cho hay dự kiến tổng công suất các nhà ga đến 2025 đạt khoảng 185 triệu hành khách/năm (chưa gồm cảng HKQT Long Thành), nếu cộng thêm thì có thể lên đến 210 triệu hành khách/năm.
Kế hoạch có thể xây mới 16 nhà ga, cải tạo 6. Dự án lớn xây mới như nhà ga Cát Bi, Chu Lai, Phú Bài khoảng 5 triệu hành khách/năm ở mỗi cảng. Bên cạnh đó, ACV cũng dự kiến xây mới nhà ga tại cảng HKQT Đà Nẵng, Cam Ranh để không còn diễn ra tình trạng “giải cứu” Tân Sơn Nhất. Cảng HKQT Nội Bài cũng phải xây tiếp nhà ga T3 với khoảng 10-15 triệu hành khách/năm.
Đối với cảng HKQT Phú Quốc, trong quý II/2018 sẽ hoạt động, tương lai vẫn phải mở rộng thêm trước sự bùng nổ nhu cầu đi lại tại đây.
Ông Thanh ước tính tổng mức vốn đầu tư cho tất cả công trình nhà ga là 57.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nếu được Bộ GTVT giao khu bay, ACV đã lập kế hoạch và báo Bộ GTVT triển khai đầu tư, cải tạo, nâng cấp khu bay (gồm đường cất hạ cánh, đường băng) tổng vốn khoảng 21.000 tỷ đồng (chưa kể Long Thành).
Riêng Long Thành, ACV đã báo cáo Bộ GTVT về thu xếp nguồn vốn. Như vậy, ACV sẽ không đi vay mà tự cấn đối nguồn lực, vốn đầu tư để triển khai các dự án trên với tổng mức đầu tư khoảng 78.000 tỷ đồng, ông Thanh cho biết.
Đối với dự án cảng HKQT Long Thành, trường hợp ACV được giao chủ đầu tư những hạng mục chính (gồm nhà ga, toàn bộ khu bay, đường hạ cất cánh, đường lăn và sân đổ), ACV đã nghiên cứu và tự cân đối 35-40% tổng mức đầu tư các hạng mục này. Trong đó có phương án tăng vốn điều lệ, trả cổ tức bằng cổ phiếu…, tuy nhiên phương án cuối cùng sẽ phụ thuộc vào quyết định của Bộ GTVT.
Nếu thực hiện thành công đến 2025, thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung đối với hàng không dân dụng sẽ tăng rất mạnh, ông Thanh nhấn mạnh.