|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

70% người dùng sẵn sàng trả tiền để sử dụng YouTube Premium chỉ sau một tuần ra mắt tại Việt Nam

17:00 | 03/05/2023
Chia sẻ
Việc thường xuyên phải xem quảng cáo "Nhà tôi ba đời..." trên YouTube đã khiến nhiều người sẵn sàng chi tiền để sử dụng YouTube Premium, tính năng xem YouTube không quảng cáo có trả phí mới được ra mắt tại Việt Nam.

Mới đây, YouNet Media, một công ty chuyên về dịch vụ phân tích dữ liệu mạng xã hội đã công bố kết quả một cuộc khảo sát về dịch vụ YouTube Premium, tính năng xem YouTube có trả phí mới được ra mắt chính thức tại Việt Nam.

Theo đó, chỉ sau một tuần chính thức ra mắt tại Việt Nam, YouTube Premium đã thu hút hơn 143.000 lượt tương tác, gần 900 bài đăng và 27.000 lượt thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội. Trong số khoảng 27.000 lượt thảo luận về YouTube Premium tại Việt Nam, có tới hơn 16.600 thảo luận thể hiện quan điểm yêu/ghét về dịch vụ này.

 Diễn biến về sự kiện ra mắt YouTube Premium tại Việt Nam. (Nguồn: YouNet Media).

Trong đó, có tới 70% bình luận cho thấy người dùng mong muốn chi trả để trải nghiệm YouTube Premium. Đặc biệt, nhiều người dùng tại Việt Nam cho biết mức giá siêu tiết kiệm của gói Family (29.000 đồng/tháng/người) đã giúp thúc đẩy mong muốn trải nghiệm YouTube Premium của họ. 

Nổi bật trong các thảo luận, nhiều người dùng cho biết họ đang phải dùng các phần mềm chặn quảng cáo hoặc mua “chui” tài khoản từ nước ngoài nên khi YouTube Premium đã có mặt tại Việt Nam thì nhóm người dùng này sẵn sàng “mua luôn không cần nghĩ”. 

Ngay cả gói cá nhân 79.000 đồng/tháng, nhiều người dùng vẫn cho là mức giá hợp lý & hưởng ứng tích cực với các nội dung chia sẻ như “Chi phí tài khoản YouTube Premium tại thị trường Việt Nam đang trong nhóm rẻ nhất thế giới”.

Nhóm khách hàng chưa từng sử dụng YouTube Premium trước đó cũng rất hào hứng để trải nghiệm miễn phí một tháng đầu tiên & khám phá YouTube Music (tính năng đi kèm khi mua YouTube Premium).  

Người dùng phản hồi về YouTube Premium. (Nguồn: YouNet Media).

Bên cạnh đó, vẫn có 25% thảo luận trên mạng xã hội cho biết chỉ muốn dùng YouTube miễn phí. Các thảo luận này thẳng thắn chia sẻ quan điểm vì họ đã có thói quen sử dụng YouTube miễn phí hoặc họ đã có sẵn giải pháp thay thế, nên sẽ tiếp tục sử dụng mà không cần trả tiền. Mức giá 79.000 đồng/tháng đối với nhóm này là một rào cản để sử dụng. 

Thiểu số có 5% thảo luận phản đối YouTube Premium và cho biết sẽ chuyển qua nền tảng mạng xã hội khác. Nhóm người dùng này phản đối với việc YouTube đã không kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đặc biệt là nhóm quảng cáo thuốc “Nhà tôi ba đời”. 

Các nhãn hàng quảng cáo trên YouTube có thể chịu ảnh hưởng bởi dịch vụ YouTube Premium

Theo We are Social, tính tới tháng 1, Việt Nam đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ về lượng người xem YouTube với tổng cộng khoảng 63 triệu người. Trong đó, nếu các nhãn hàng nhắm đến nhóm khán giả độ tuổi từ 18 trở lên, quảng cáo của họ có thể tiếp cận được đến 68,9% lượng người xem, tức 43,4 triệu người ở Việt Nam. Vì vậy, YouTube thời gian qua là một kênh quảng cáo và tiếp cận khách hàng hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp.

Ông Lucas Phạm, Managing Director của Mango Digital – công ty chuyên tư vấn và thực thi truyền thông sáng tạo cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam, cho biết việc YouTube Premium ra mắt với chi phí rất rẻ dự báo sẽ gián tiếp làm giảm độ phủ của quảng cáo và gia tăng chi phí đầu tư cho quảng cáo của các nhãn hàng tại Việt Nam.

“Chỉ cần khoảng 40% lượng khách hàng tiềm năng mua tài khoản YouTube Premium, thì việc tiếp cận với 60% khách hàng còn lại sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều hơn vì chi phí quảng cáo tăng, đặc biệt nếu có nhiều nhãn hàng cùng muốn tiếp cận nhóm này”, ông Lucas Phạm giải thích.

“Vì vậy, nhãn hàng nên sẵn sàng cho các giải pháp khác như tài trợ trực tiếp các chương trình giải trí hoặc người nổi tiếng. Ví dụ, tài trợ cho MV ca sĩ, gameshow, các chương trình truyền hình thực tế để đưa thông điệp nhãn hàng trực tiếp vào nội dung. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện một cách sáng tạo, khéo léo cùng chiến lược đầu tư dài hơi để tránh gây phản cảm cho người xem cũng như giúp thương hiệu phát triển trong dài hạn”.

Trước đó, từ 12/4, dịch vụ trả phí của YouTube là YouTube Premium đã được triển khai tại thị trường Việt Nam. Dù vậy, tính năng này sẽ chưa được triển khai tới tất cả người dùng mà sẽ được mở một cách từ từ trước khi có buổi ra mắt chính thức tại Việt Nam.

Theo thông tin trên trang chủ, người dùng có thể có một tháng sử dụng thử tính năng này, sau đó mức phí cho gói cá nhân đối với YouTube Premium sẽ là 79.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT). Người dùng cũng có thể đăng ký một số gói dịch vụ khác, chẳng hạn như gói “Giá đình” có giá 149.000 đồng/tháng hoặc gói “Học sinh/sinh viên” có giá 49.000 đồng/tháng.

YouTube Premium được biết tới là một tính năng trả phí của YouTube. Khi sử dụng tính năng này, người dùng có thể trả một mức phí nhất định để được hưởng các dịch vụ khác nhau.

Theo miêu tả trên trang chủ, YouTube Premium có một số dịch vụ như Ad-free YouTube (xem video mà không bị quảng cáo làm gián đoạn); Tải xuống video để xem ngoại tuyến (lưu video và danh sách phát trên thiết bị di động và phát ngoại tuyến); Tiếp tục xem video khi sử dụng các ứng dụng khác hoặc khi màn hình smartphone tắt,..


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Doanh Chính