|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cách kênh YouTube độc hại lách luật để kiếm tiền: Bắt tay trực tiếp với nhãn hàng, 1 phút quảng cáo giá chục triệu đồng

14:57 | 01/04/2023
Chia sẻ
Dù không được YouTube phân phối quảng cáo, nhiều kênh vẫn có cách lách luật để kiếm tiền qua các nội dung độc hại.

Tại Việt Nam, YouTube là mảnh đất màu mỡ cho những bạn trẻ muốn nổi tiếng và đam mê kiếm tiền qua nền tảng số. Thực tế cho thấy, nhiều YouTuber đang nỗ lực xây kênh để sớm đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình Đối tác YouTube (YouTube Partner Program), qua đó bật tính năng kiếm tiền nhờ lượt xem video.

Tuy nhiên, bên cạnh những kênh YouTube thú vị, hữu ích, không ít nhà sáng tạo nội dung đang sa đà vào nội dung thiếu lành mạnh, gây phản cảm trong xã hội.

Lách luật để kiếm tiền quảng cáo

Thành lập từ tháng 4/2021, kênh YouTube Ch*nh Ch*nh hiện có 351 nghìn người đăng ký, 432 video với hơn 156 triệu lượt xem. Như vậy, trung bình với mỗi video, kênh YouTube này có đến hơn 361.000 lượt xem.

Phần lớn video trên kênh Ch*nh Ch*nh đều là nội dung mang tính bạo lực. Nhân vật tham gia đóng clip nhiều lần cầm theo các vật dụng mang tính sát thương cao như bóng chày, tuýp sắt, thậm chí là dao bầu để tham gia hỗn chiến và phá hoại tài sản.

 Kênh Youtube Ch*nh ch*nh thường xuyên đăng tải các nội dung phản cảm. (Ảnh: chụp màn hình)

Bên cạnh đó, người xem cũng thường bắt gặp hình ảnh các thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định khi lái xe, gây rối trật tự nơi công cộng. Đáng nói, những video này thu hút rất đông người xem và để lại bình luận tương tác.

Tương tự Ch*nh Ch*nh, các kênh Thành L*ng Vlogs, Quang *nh Tv, Ki*n Chổi… cũng xây dựng nội dung theo hướng cổ xuý bạo lực, với nhiều hành động và ngôn từ phản cảm.

Trước chính sách về tiêu chuẩn cộng đồng của YouTube, những video với nội dung bạo lực như vậy không thể được phân phối quảng cáo. Tuy nhiên, chủ kênh vẫn có thể “lách luật” bằng cách lồng trực tiếp quảng cáo vào nội dung clip.

Đáng nói, thời gian qua, kênh Ch*nh Ch*nh từng nhận quảng cáo cho Kwin68, ứng dụng đánh bạc online và website cá độ thể thao - casino trực tuyến 1XBET, từng bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho vào danh sách những website có dấu hiệu vi phạm pháp luật cuối năm 2022.

 Nội dung quảng cáo game bài trực tuyến được lồng vào các video.(Ảnh: chụp màn hình).

Các kênh Thành L*ng Vlogs, Quang *nh Tv cũng đang quảng cho một số game bài trực tuyến, trong khi kênh Ki*n Chổi nhận giới thiệu về loại vitamin tăng cân không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguồn sống của các kênh YouTube độc hại

Theo Business Insider, khi tham gia Chương trình Đối tác YouTube, nhà sáng tạo nội dung có thể thu về 55% doanh thu từ quảng cáo do Google đặt trên video của họ. Từ năm 2023, với các video ngắn, họ nhận được 45% doanh thu.

Tuy nhiên, trường hợp không thể kiếm tiền từ nội dung quảng cáo do YouTube phân phối, các YouTuber vẫn có nhiều nguồn thu nhập khác như doanh thu từ việc bán hàng trên nền tảng hoặc thỏa thuận nhắc tên nhãn hàng. Jack Neal, YouTuber sở hữu hơn 2 triệu followers cho biết, tính tổng các khoản thu nhập từ YouTube, trung bình mỗi tháng anh có thể kiếm hơn 1.200 USD.

Các kênh YouTube có lượng theo dõi lớn luôn là đích ngắm của nhiều nhãn hàng. Đơn cử, kênh YouTube N*m Cọ chuyên sản xuất clip về xe phân khối lớn với nội dung vượt phóng xe quá tốc độ, không chỉ nhận quảng cáo cho game bài trực tuyến mà một thương hiệu mỳ ăn liền nổi tiếng cũng từng được xuất hiện..

Liên hệ với chủ kênh YouTube Ch*nh Ch*nh, người này cho biết, mỗi phút quảng cáo trên kênh có mức giá 10 triệu đồng. Trong khi Ki*n Chổi báo giá 5 triệu đồng cho 2 phút quảng cáo. Với nhịp độ sản xuất một clip/ngày và hầu hết clip đều xuất hiện quảng cáo, hai kênh này có thể kiếm được số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng.

Rõ ràng, dù không thể bật kiếm tiền theo chính sách của YouTube, nhiều nhà sáng tạo nội dung vẫn thu được lợi nhuận từ quảng cáo, chỉ cần sở hữu lượt đăng ký và theo dõi video khủng. Và đối với nhiều người, việc đẩy mạnh các nội dung bạo lực được coi là một trong những con đường ngắn nhất để phát triển kênh, qua đó thu lợi.

Sẽ thắt chặt xử lý

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp cùng Google đo kiểm vào năm 2019, cứ 10 đồng kiếm được nhờ video sai phạm, độc hại trên YouTube thì 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc Việt Nam. Đây cũng là thời điểm Việt Nam được cho là quốc gia đứng đầu thế giới về việc các nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền từ video xấu độc.

Trên thực tế, phần lớn các kênh YouTube đều không có phần cảnh báo trẻ em hoặc giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều trẻ nhỏ tại Việt Nam thường xuyên theo dõi YouTube mà không được cha mẹ kiểm soát và chọn lọc nội dung.

Việc trẻ gặp rủi ro do ảnh hưởng bởi nội dung YouTube cũng không phải chuyện quá hiếm. Điển hình như vào năm 2019, một bé gái 5 tuổi tại TP.HCM đã tử vong vì học và làm theo trò treo cổ khi xem YouTube.

Mặc dù các nội dung bạo lực, nguy hiểm trên thế giới mạng từ lâu đã trở thành vấn đề đáng báo động, song việc ngăn chặn những video chưa phù hợp là điều không dễ thực hiện.

Tại hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng diễn ra chiều ngày 30/11/2022, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) nhận định, tình trạng YouTube cho quảng cáo các nội dung vi phạm vẫn còn rất nhiều và chậm trễ trong việc khắc phục xử lý.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, việc xây dựng nội dung phản cảm để thu hút lượng người xem lớn, qua đó nhận tiền quảng cáo từ các nhãn hàng đã tạo ra sự thiếu công bằng với những người làm nội dung tử tế, cho thấy sự thiếu coi trọng vấn đề đảm bảo an toàn thương hiệu…

Thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà soát để xử lý nghiêm trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, nhãn hàng chủ động xây dựng Danh sách nội dung xấu độc trên mạng của riêng doanh nghiệp để loại trừ quảng cáo.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo các đối tượng đó.

Đồng thời, xây dựng danh sách nội dung “sạch” trên mạng Việt Nam (White List) để các nhãn hàng ưu tiên quảng cáo.

Diệp Ninh