|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

70% DN hàng may mặc phải cắt giảm lao động ngay lập tức trong tháng 3 và dự kiến cả tháng 4, tháng 5

11:09 | 01/04/2020
Chia sẻ
Theo VITAS các đối tác lớn của DN ngành hàng dệt may đều có động thái dừng cắt tất cả đơn hàng trong tháng 3, tháng 4, thậm chí đến hết tháng 6/2020 và hoàn toàn không có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp khi đột ngột cắt bỏ đơn hàng.

Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) vừa có báo cáo cập nhật nhanh về ảnh hưởng của COVID-19 đến ngành dệt may, trong đó tập trung về tác động và kiến nghị trong giai đoạn 2, tức từ ngày 11/3 đến nay.

Cụ thể theo VITAS, giai đoạn này dịch bênh được kiểm soát tốt tại Trung Quốc, 90% các nhà máy tại Trung Quốc đã hoạt động trở lại giúp cho nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất của ngành được phục hồi lên đến 85 - 90%.

Tuy nhiên dịch bệnh gia tăng tại Mỹ và EU khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may tại thị trường Mỹ và EU sụt giảm đột ngột. COVID-19 bùng phát đã kìm hãm tăng trưởng bán lẻ toàn cầu và đồng thời phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giai đoạn 2 của dịch bệnh cũng làm cắt giảm đột ngột nguồn cầu dệt may Việt Nam trong đó có các nhãn hàng lớn đều có động thái dừng cắt tất cả các đơn hàng và đóng hệ thống cửa hàng trong tháng 3 và tháng 4, thậm chí đến hết tháng 6/2020 và hoàn toàn không có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp khi đột ngột cắt bỏ đơn hàng.

Trong khi doanh nghiệp đã trả một phần hoặc một tỉ lệ không nhỏ cho việc mua nguyên phụ liệu sản xuất. Điều này tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến doanh nghiệp dệt may, là giảm ngay lập tức việc làm của người lao động, thiệt hại với doanh nghiệp là rất lớn.

Hiệp hội dệt may Việt Nam đánh giá là có đến gần 100% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng tùy qui mô, mức dộ và đặc thù mặt hàng của doanh nghiệp.

Theo đó, một số biện pháp đã được tính đến như giảm giờ làm việc và cắt giảm nhân sự trong thời kì này. Hơn nữa, sẽ có những quyết định về tài chính và kinh doanh hết sức khó khăn cho năm 2020.

"Ảnh hưởng đối với doanh nghiệp làm hàng may mặc là rõ nét nhất với 100% số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc bị ảnh hưởng trong số đó 70% doanh nghiệp phải cắt giảm việc ngay lập tức trong tháng 3 và 80% doanh nghiệp dự kiến phải cắt giảm lao động tiếp trong tháng 4 và tháng 5", VITAS cho biết tại báo cáo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm hàng sợi, dệt có mức độ ảnh hưởng thấp hơn là 90%, vì trừ đi số doanh nghiệp có năng lực sản xuất được vải, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuát khẩu trang, bộ đồ bảo hộ phòng dịch.

Do đó, nếu Nhà nước không có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, sẽ dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị phá sản hàng loạt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh hưởng về tài chính đối với toàn ngành dệt may đến tháng 6/2020 là vào khoảng 12.000 tỉ đồng.

Theo đó, trong giai đoạn này, VITAS tiếp tục kiến nghị Tổng cục hải quan và ngân hàng nhà nước nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may chịu tác động của COVID-19.

Trong đó, đề nghị miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT. Dùng quĩ bảo hiểm thất nghiệp chi 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm phải nghỉ. Ân hạn, chưa trả gốc và lãi các khoản vay dài hạn, kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng...

Đồng thời kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải bù đắp đơn hàng may thiếu hụt trong khi năng lực sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có dư thừa cho xuất khẩu mặt hàng này.

Ngoài ra VITAS cũng phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam kiến nghị với Bộ Ngoại giao Mỹ và đại diện Liên minh châu Âu có những xác minh lại thông tin không đúng của nguồn tin "thị trường Mỹ và EU chính thức dừng nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam" để doanh nghiệp không hoang mang.

Như Huỳnh