6 tháng thăng hoa của ngành chứng khoán với các kỷ lục, nhiều đơn vị báo lãi tăng bằng lần
Diễn biến sôi động của thị trường chứng khoán nửa đầu năm cùng làn sóng gia nhập của nhà đầu tư F0 mạnh mẽ đã giúp cho nhiều công ty chứng khoán báo lãi lớn nhờ kinh doanh khởi sắc ở những mảng hoạt động cốt lõi.
Thống kê kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tại gần 40 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường, nhiều đơn vị ghi nhận lãi trước thuế "khủng". Đáng chú ý, một vài công ty có mức tăng trưởng lên đến hàng chục lần so với lợi nhuận cùng kỳ năm 2020.
Nhóm lãi khủng nhất với sự góp mặt của các CTCK dẫn đầu thị phần môi giới
Trong số 10 công ty chứng khoán báo lãi trước thuế lớn nhất sau nửa năm, có tới 8 đại diện nằm trong top thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE, chiếm tới 58,26% giá trị thị phần.
Cụ thể, Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) dẫn đầu với mức lãi trước thuế 1.844 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ. Riêng trong quý II, đơn vị này ghi nhận lãi gần 400 tỷ đồng từ bán buôn trái phiếu của các doanh nghiệp, phần lớn từ các trái phiếu chưa niêm yết.
Lũy kế 6 tháng, TCBS lãi 713 tỷ đồng từ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), trong khi doanh thu môi giới đạt 350 tỷ đồng.
Theo sau đó, Chứng khoán SSI (SSI) đứng thứ hai trên bảng xếp hạng lợi nhuận với 1.234 tỷ đồng, tăng trưởng 87%. Doanh thu trong kỳ từ hoạt động tự doanh và môi giới khá tương đồng. Doanh nghiệp này lần lượt ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ là 1.180 tỷ đồng, còn doanh thu môi giới đạt 1.060 tỷ đồng.
Trong nhóm công ty báo lãi nghìn tỷ đồng, Chứng khoán VNDirect (VND) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.134 tỷ đồng sau 6 tháng, góp mặt trong nhóm doanh nghiệp lãi 1.000 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động FVTPL đóng góp lớn nhất vào doanh thu của VNDirect với 774 tỷ đồng. Đứng thứ 4 về thị phần môi giới bán niên, hoạt động môi giới mang lại cho VNDirect 639 tỷ đồng doanh thu, gấp 3,4 lần so với mức 187,5 tỷ đồng nửa đầu năm 2020.
Mặc dù dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu trong hai quý liên tiếp, Chứng khoán VPS (VPS) chỉ lãi 449 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc tháng 6. Lý do được cho là chi phí môi giới tăng song song với mức tăng của doanh thu hoạt động, dẫn tới VPS chỉ lãi 237 tỷ đồng từ hoạt động môi giới chứng khoán sau 6 tháng. Đồng thời, lũy kế nửa năm, VPS cũng ghi nhận khoản lỗ tự doanh 17 tỷ đồng, lỗ bán các tài sản tài chính lên đến 449 tỷ đồng.
Bên cạnh những công ty chứng khoán chiếm giá trị thị phần môi giới lớn như HSC, Bản Việt, Mirae Asset (Việt Nam), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) và Chứng khoán VIX (Mã: VIX) bất ngờ ghi danh trong top lãi khủng với lần lượt 722 tỷ đồng và 530 tỷ đồng, tăng gấp 1,1 lần và 8,2 lần so với nửa đầu năm 2020.
Nhiều cái tên tăng trưởng lợi nhuận bằng lần
Không chỉ ghi nhận giá trị lợi nhuận khủng, ngành chứng khoán nửa đầu năm còn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của nhiều doanh nghiệp.
Dẫn đầu là Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Mã: CTS) với mức tăng 30,4 lần, từ mức lợi nhuận 6,6 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2021 lên 208,1 tỷ đồng trong năm 2021. Kết quả tích cực của CTS có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động tự doanh, khi mảng này ghi nhận lãi ròng 175 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc so với mức lãi ròng 9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Cùng khởi sắc ở mảng tự doanh, Chứng khoán Everest (Mã: EVS) báo lãi trước thuế nửa năm đạt 221,3 tỷ đồng, tăng 22,9 lần so với mức 9,3 tỷ năm trước. Không nằm ngoài xu hướng, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) ghi nhận lãi gấp 17 lần cùng kỳ, đạt giá trị 386 tỷ đồng.
Chứng khoán Thiên Việt (Mã: TVS) cũng ghi nhận doanh thu luỹ kế 6 tháng đầu năm hơn 518 tỷ đồng, trong đó TVS ghi nhận 362 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Kết thúc quý II, Chứng khoán FPT (Mã: FTS) lãi trước thuế 264 tỷ đồng, nâng tổng giá trị lãi kể từ đầu năm lên mức 430 tỷ đồng, tăng 8,3 lần nhờ vào khởi sắc từ cả hoạt động môi giới, tự doanh và mảng cho vay ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán.
Tuy có quy mô lợi nhuận nhỏ hơn, Chứng khoán Thành Công (Mã: TCI), Chứng khoán APG (Mã: APG), Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã: APS) và Chứng khoán Dầu khí (Mã: PSI) đều có mức tăng trưởng đáng kể nhờ vào cơn sốt trên thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2021.
Sau khi trải qua 6 tháng khởi sắc, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh khi VN-Index đang dần lùi về mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 7. Thanh khoản mỗi phiên cũng suy giảm do đợt bùng phát của dịch COVID-19 đã gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư. Hệ quả của việc dòng tiền F0 thận trọng sẽ khiến hoạt động môi giới, cho vay margin của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng.
Mặc dù kỳ vọng ngành chứng khoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng vào cuối năm nhờ khả năng kiểm soát được dịch bệnh vào nửa cuối năm và gói giải ngân đầu tư công trong quý III, các chuyên gia của SSI Research cho rằng động lực hiện tại của thị trường có thể giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm.