|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

6 điểm cần quan tâm về tương lai doanh nghiệp

14:12 | 05/03/2018
Chia sẻ
Xem xét những điều sắp xảy ra không phải là việc chỉ dành riêng cho CEO các tập đoàn đa quốc gia, tất cả lãnh đạo doanh nghiệp đều cần nghĩ về những giá trị đảm bảo tương lai cho doanh nghiệp mình.
6 diem can quan tam ve tuong lai doanh nghiep

Hằng năm, các nhà lãnh đạo từ khắp mọi nơi trên thế giới tụ họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ để hội đàm về các vấn đề của thế giới và lập kế hoạch cho tương lai. Nhưng xem xét về những điều sắp xảy ra trong tương lai không phải là việc chỉ dành riêng cho CEO các tập đoàn đa quốc gia. Tất cả các lãnh đạo doanh nghiệp đều cần dành thời gian nghĩ về những giá trị đảm bảo tương lai cho doanh nghiệp của mình. Họ tìm hiểu và cân nhắc khi nào và làm cách nào để mở rộng kinh doanh hay đa dạng hóa sản phẩm và cơ hội tiếp theo của doanh nghiệp nằm ở đâu.

Điều này nghe có vẻ dễ, nhưng tầm nhìn xa như vậy là điều khó nắm bắt. Thời gian là vàng bạc trong khi thông tin thì vô kể nhưng không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được hoặc có giá trị đáng tin cậy, và sự biến đổi liên tục là điều xảy ra thường xuyên nhưng lại rất khó kiểm soát.

Từ những tranh luận tại Davos khiến tôi nghĩ về những xu hướng về lâu về dài có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ lên các doanh nghiệp. Và đây là 6 mối quan tâm đứng đầu trong danh sách của tôi:

Thế hệ Z:

Với hơn 70 triệu người, thế hệ Z là những người sinh ra trong giai đoạn giữa thập niên 1990 đến giữa những năm 2000 và là thế hệ đầu tiên có sự tiếp cận toàn diện với thế giới công nghệ. Họ được biết đến với ý thức mạnh mẽ về cộng đồng và khao khát có tầm ảnh hưởng tích cực lên thế giới thông qua công việc họ làm.

Nhóm lớn tuổi nhất của thế hệ này bắt đầu bước chân vào chốn công sở và có khả năng chịu sự quản lý của thế hệ thiên niên kỷ (millenials) - một thế hệ khác có tầm nhìn rõ ràng về thành công trong công việc. Những thương hiệu nổi tiếng sẽ chuẩn bị cho xu hướng này bằng việc phát triển các chiến lược đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng này, ở vai trò vừa là nhân viên vừa là người tiêu dùng. Những công ty nào hiểu rõ cách kinh doanh trong thời đại kỹ thuật số sẽ là những công ty có thế mạnh.

Từ “thích” đến “mua’”, chúng ta là những người mua sắm qua mạng xã hội:

Ngày càng có nhiều người mua sắm thông qua mạng truyền thông xã hội. Khi những khách hàng tiêu dùng này thấy một sản phẩm họ thích, họ mong muốn có thể mua được nó ngay tại đó và vào thời điểm đó.

Trong khi mua sắm qua mạng xã hội vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nghiên cứu cho thấy nó có thể mang lại lợi nhuận 165 tỷ USD trên toàn cầu trước năm 2021. Các nhãn hàng muốn thu hút những người tiêu dùng này sẽ cần phải khởi động các chiến lược truyền thông xã hội và thay thế nút “thích” thành nút “mua”, cho phép người mua chỉ cần một cái nhấp chuột là có thể sở hữu sản phẩm.

Xu hướng xanh:

Tiêu dùng có đạo đức ngày càng giữ vai trò quan trọng trong những năm gần đây. Nhiều người ngày nay cho rằng họ quan tâm đến những sản phẩm hợp đạo đức và thân thiện với môi trường. Theo đó, nếu doanh nghiệp muốn thành công, họ sẽ phải đáp ứng các kỳ vọng mới này.

Các doanh nghiệp lớn đang có hành động cụ thể về vấn đề này. Các công ty nhỏ cũng vậy, họ đang tìm kiếm hệ sinh thái người mua và nhà cung cấp nhằm đảm bảo mọi đối tác đều đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Điều này không đáng ngạc nhiên do nếu chỉ một công ty làm người tiêu dùng thất vọng, như hiệu ứng dây chuyền, nó sẽ gây ra rủi ro cho tất cả các bên liên quan.

Thương mại không biên giới:

Các loại hình dịch vụ như du lịch, tài chính và giáo dục được kỳ vọng chiếm khoảng 25% giá trị thương mại toàn cầu đến năm 2030. Công nghệ kỹ thuật số khiến cho các thị trường mới dễ tiếp cận hơn và ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ mở rộng thị trường ra bên ngoài mà không cần phải thành lập văn phòng ở nước ngoài.

Đây thực sự là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi của thương mại khi vai trò của cái nhấp chuột giữ vị trí quan trọng tương tự như "gạch với hồ" (trong kinh doanh tại cửa hàng thực) nếu doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh.

Công nghệ blockchain:

Ngày nay chỉ 0,5% dân số thế giới sử dụng công nghệ blockchain. Nhưng tốc độ ứng dụng nhanh chóng công nghệ này trong các ngành công nghiệp khiến cho các chuyên gia dự đoán thị trường này sẽ có giá trị 20 tỷ USD vào năm 2024.

Trong khi một vài công ty đã tiên phong trong công nghệ này, mọi nhà lãnh đạo đều nên biết blockchain có thể được ứng dụng như thế nào trong lĩnh vực kinh doanh của mình, giải pháp phần mềm nào đang được phát triển và có sự hợp tác nào của các dự án mà họ có thể tham gia.

Trí tuệ nhân tạo tiếp tục phát triển:

Trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn sẽ tiếp tục hành trình để trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày. Người máy sử dụng trí tuệ nhân tạo (ứng dụng thực hiện các công việc tự động hóa) được dự đoán sẽ là nền tảng của 85% các tương tác dịch vụ khách hàng đến năm 2020 và công nghệ này có thể giúp tăng năng suất lao động lên ít nhất 40% đến năm 2035.

Những ứng dụng hứa hẹn cho doanh nghiệp có thể kể đến việc xác định phân phúc khách hàng. Theo đó, những phân tích hiện đại có thể được dùng để xác định xu hướng khách hàng mới, phân khúc hoặc nhóm khách hàng có nhu cầu quan tâm về một sản phẩm cụ thể nào đó.

Rõ ràng, lãnh đạo doanh nghiệp nào vừa hiểu được những xu hướng này vừa đưa ra được hành động cụ thể sẽ có nhiều khả năng đạt được lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Bằng cách đảm bảo tương lai cho doanh nghiệp trong dài hạn, chủ doanh nghiệp có thêm nhiều khách hàng mới, thu hút nhiều nhân tài và biết trước được những cơ hội tốt nhất nằm ở đâu. Đây chính là điểm chung của mọi doanh nghiệp thành đạt, từ những doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ nhất đến những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất.