|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5.380 tỉ đồng cấp tốc đầu tư đường mới An Hữu - Cao Lãnh

09:42 | 08/09/2019
Chia sẻ
UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương thống nhất đầu tư dự án đường mới An Hữu – Cao Lãnh theo phương án đầu tư công, trong đó ngân sách tỉnh Đồng Tháp và ngân sách tỉnh Tiền Giang góp khoảng 40% (2.152 tỉ đồng), ngân sách Trung ương 60% (3.228 tỉ đồng) trên tổng mức đầu tư dự án.

Chiều 7-9, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến kết nối đã đưa vào hoạt động; lưu lượng các phương tiện từ Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… qua lại tuyến Quốc lộ 30 để lên TPHCM và ngược lại tăng đột biến.

Trong khi hiện trạng tuyến Quốc lộ 30 đoạn từ ngã ba An Hữu đến TP Cao Lãnh mặt đường nhỏ, hẹp, không đáp ứng lưu thông và bảo đảm an toàn giao thông. 

Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa kiến nghị Trung ương sớm đầu tư tuyến đường mới An Hữu - Cao Lãnh (theo cao tốc) là vô cùng cấp thiết.

5.380 tỉ đồng cấp tốc đầu tư đường mới An Hữu - Cao Lãnh - Ảnh 1.

Cầu Vàm Cống đã thông xe (ảnh) và trước đó cầu Cao Lãnh cũng đưa vào khai thác, nên lưu lượng phương tiện ở ĐBSCL qua QL 30 để lên TPHCM (và ngược lại) tăng rất cao. Trong khi QL 30 hiện nay đoạn An Hữu - Cao Lãnh bị quá tải, cần đầu tư tuyến đường cao tốc mới.

Cụ thể, tuyến đường mới An Hữu - Cao Lãnh (song hành với tuyến Quốc lộ 30), dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 5.380 tỷ đồng. Nếu đầu tư theo hình thức PPP là 5.643 tỷ đồng, tăng 263 tỷ đồng do kèm lãi suất vay ngân hàng

Ban Quản lý dự án 7 đang nghiên cứu, trình Bộ GTVT theo 2 phương án là đầu tư công hoặc đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP).

Với tính cấp thiết và quan trọng của tuyến đường mới An Hữu - Cao Lãnh, nếu triển khai đầu tư theo hình thức PPP sẽ kéo dài thời gian do thủ tục phức tạp và tổng mức đầu tư cao hơn 263 tỷ đồng so với phương án đầu tư công. 

Ngoài ra, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư không cao so với tổng mức đầu tư (khoảng 1.663 tỷ đồng trên 5.643 tỷ đồng, chiếm 29,47%) do khống chế thời gian khai thác của nhà đầu tư không quá 18 năm, làm cho hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP không cao.

Vì vậy, để dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương thống nhất đầu tư dự án đường mới An Hữu – Cao Lãnh theo phương án đầu tư công, trong đó ngân sách tỉnh Đồng Tháp và ngân sách tỉnh Tiền Giang góp khoảng 40% (2.152 tỷ đồng), ngân sách Trung ương 60% (3.228 tỷ đồng) trên tổng mức đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Trung ương sớm bố trí vốn khoảng 815,4 tỷ đồng, thực hiện tuyến tránh thành phố Cao Lãnh dài hơn 12,6 km. 

Dự án này đã được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 9-2008; đến nay đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã thi công đến điểm dừng kỹ thuật; phần nền đường đã thực hiện nhưng chưa hoàn chỉnh thì phải tạm dừng do thiếu vốn.

Hiện nay, lưu lượng giao thông trên tuyến Quốc lộ 30 qua nội ô thành phố Cao Lãnh tăng cao, nhiều xe container chạy vào nội ô thành phố, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Do đó, việc tiếp tục đầu tư tuyến tránh thành phố Cao Lãnh là cần thiết.

Nguyễn Thanh