5.000 tỉ bỏ ra cho metro số 1 'vay', TP HCM chưa thể thu lại
Hầm ngầm tuyến metro số 1 đoạn Ba Son - Nhà hát Thành phố.
Trung ương không hoàn tiền vì chưa điều chỉnh tổng mức đầu tư
“Cố gắng đến hết tháng 4 sẽ phê duyệt tổng mức đầu tư tuyến metro số 1” – Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nói trong cuộc họp đầu tháng 3/2019. Cơ sở để ông đưa ra nhận định là trước đó Trung ương đã đồng ý giao thành phố điều chỉnh tổng mức đầu tư “sau thời gian dài gặp khó khăn về thủ tục”.
Ông Tuyến nhấn mạnh thêm rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc cùng thành phố theo hướng sẽ trình Thủ tướng đồng ý ủy quyền cho thành phố phê duyệt.
Để đốc thúc dự án, ngày 12/4/2019 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp vào TP.HCM và tới thị sát trong đường hầm tuyến metro số 1. Tại buổi họp ngay sau đó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút thống nhất các phương án xử lý vướng mắc.
Thủ tướng yêu cầu không để tình trạng này kéo dài nữa, nếu không sẽ mất niềm tin của nhà đầu tư. "Mình để như vậy thì nước ngoài cười, dân cũng cười, mưa nắng mấy năm trời các đồng chí có nóng ruột không?", Thủ tướng nói trong cuộc họp hồi đầu tháng 4/2019.
Tưởng chừng vấn đề sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn. Nhưng vừa qua Sở GTVT TP.HCM đã có báo cáo về việc thẩm định điều chỉnh dự án metro số 1, trong đó cho biết dự kiến việc khai thác phải lùi lại đến quý 4 năm 2021 thay vì 2020 như nhận định trước đó.
Lý do là đến nay tiến độ thẩm định dự án điều chỉnh không đạt như tính toán. Bộ Xây dựng hiện chưa có ý kiến về thiết kế điều chỉnh, trong khi phải đến đầu tháng 10 Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối. Do vậy đến giữa tháng 10 tới Hội đồng thẩm định mới có thể trình dự thảo phê duyệt dự án điều chỉnh.
Cũng vì lý do này, đến nay UBND TP.HCM đã phải trích lượng ngân sách không nhỏ để tạm ứng cho các nhà thầu thi công. Trong cuộc họp KTXH ngày 30/8 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan xác nhận con số này đã lên đến 5.000 tỷ đồng.
“Có điều chỉnh xong (tổng mức đầu tư) mới có cơ hội tiếp nhận nguồn vốn của Trung ương. Hiện nay ngân sách Trung ương không hoàn vì chúng ta chưa có dự án điều chỉnh” – ông Hoan cho hay.
Một đoạn đường metro trên cao.
Nhà thầu quan ngại
Dự án metro số 1 được vay vốn từ nguồn ODA và sử dụng công nghệ của Nhật Bản. Điều đó đồng nghĩa rằng nhiều hạn mục quan trọng được các công ty Nhật Bản thực hiện. Tuy nhiên việc chậm trễ thanh toán đã khiến họ phải nhiều lần “kêu”.
Đỉnh điểm, cuối tháng 11/2018 tình hình trở nên căng thẳng khi Đại sứ Nhật Bản gửi thư tới lãnh đạo TP.HCM bày tỏ quan ngại về việc giải ngân dự án. Thậm chí phía Nhật cho biết, một số nhà thầu sẽ dừng thi công nếu không được thành phố thanh toán một số hạng mục đã hoàn thành.
Trong buổi làm việc cuối tháng 2/2019, đại diện liên danh NJPT (tư vấn chung) tiếp tục chia sẻ rằng việc thanh toán cho các nhà thầu rất quan trọng nhưng việc này vẫn đang đình trệ.
Trước động thái này, ngày 6/3 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có công văn “khẩn” gửi Thủ tướng đề nghị được tạm ứng 2.158 tỷ cho công trình, nhằm thanh toán nợ đọng cho các nhà thầu nước ngoài và hạn chế phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
|
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/