|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiến nghị đơn giản hóa thủ tục giấy phép lái tàu metro số 1

22:20 | 06/05/2019
Chia sẻ
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị một số vấn đề về giấy phép đối với lái tàu, lái phương tiện chuyên dùng trong giai đoạn thi công và thử nghiệm áp dụng cho tuyến metro số 1.
Kiến nghị đơn giản hóa thủ tục giấy phép lái tàu metro số 1 - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 đang gấp rút về đích đúng hẹn vào cuối năm 2020. Ảnh: Độc Lập.

Trong văn bản mới gửi Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQLĐSĐT) cho biết dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) đang được triển khai thi công/lắp đặt và chuẩn bị thử nghiệm gói thầu số 3 "Cơ điện, đầu máy toa xe, đường sắt, bảo dưỡng" theo hình thức hợp đồng EPC, dự kiến tiến hành chạy thử nghiệm vào cuối năm 2020. Hiện các nhà thầu đã nhập về một số phương tiện đường sắt bao gồm nhóm phương tiện chuyên dùng đường sắt phục vụ công tác thi công, lắp đặt dọc tuyến và đầu máy toa xe (17 đoàn tàu 3 toa).

Trước khi nghiệm thu bàn giao, chính thức vận hành thương mại, các phương tiện này cần được vận hành chạy thử nghiệm nhằm kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cũng như công trình đường sắt. Tuy nhiên những quy định về chức danh lái tàu của Cục Đường sắt, Bộ GTVT đang gây khó khăn đối với nhà thầu.

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu đối với chức danh lái tàu (điều khiển phương tiện chuyên dùng đường sắt) phục vụ thi công và thử nghiệm công trình đường sắt đô thị trong phạm vi đoạn trên cao (cầu cạn) phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu.

Trường hợp nhà thầu sử dụng chức danh lái tàu là người nước ngoài thì phải có Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng đường sắt do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn hiệu lực và phải chuyển đổi thành giấy phép lái phương tiện chuyên dụng theo quy định tại Thông tư 33 do Bộ GTVT ban hành. Trường hợp sử dụng người Việt thì phải được sát hạch cấp giấy phép lái phương tiện chuyên dùng trên đường sắt đô thị, cũng theo Thông tư 33.

BQLĐSĐT cho rằng yêu cầu sát hạch (về phương tiện và quãng đường) trong Thông tư này chỉ dành cho điều kiện công trình đường sắt đô thị đã hoàn thành hoàn chỉnh. Hiện tuyến metro số 1 mới chỉ trong giai đoạn thi công/lắp đặt, chưa vận hành khai thác nên khó tuân thủ hoàn toàn các quy định trên.

Do đó, để đảm bảo tiến độ với điều kiện hiện tại của dự án, BQLĐSĐT kiến nghị: Nếu người điều khiển phương tiện đường sắt là người nước ngoài, đề nghị cho phép người lái phương tiện đường sắt phục vụ thi công, lắp đặt và thử nghiệm tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên chỉ cần có giấy phép lái phương tiện đường sắt do nước ngoài cấp, không nhất thiết phải chuyển đổi giấy phép lái phương tiện sang giấy phép Việt Nam.

Nếu là người Việt Nam, chỉ cần có giấy phép lái phương tiện đường sắt do Việt Nam cấp và chứng chỉ đào tạo lái phương tiện đường sắt do nhà thầu cung cấp, không nhất thiết phải sát hạch cấp giấy phép lái phương tiện.

Tổng thầu phải có đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn và chịu trách nhiệm về an toàn vận hành của phương tiện trong quá trình thi công, lắp đặt và thử nghiệm. Đồng thời, tổng thầu sẽ có công văn báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam khi sử dụng người lái phương tiện đường sắt (tương tự tuyến 2A, Cát Linh - Hà Đông của TP.Hà Nội).

Hà Mai

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.