Metro Sài Gòn dừng thi công hơn 2 tuần vì xây khách sạn gây sụt lún
Hơn 2 tuần qua, nhà thầu thi công đoạn hầm đào hở trên đường Lê Lợi (thuộc gói thầu 1a) đã tạm dừng để chờ kết quả kiểm tra từ phía Sở Xây dựng và UBND quận 1 đối với biện pháp thi công bơm hút nước ngầm ở dự án số 129 đường Lê Thánh Tôn.
Độ lún tăng
Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM cho biết theo kế hoạch, nhà thầu SMC4 sẽ đào đất, thi công hệ khung chống lớp 3 đoạn hầm đào hở trên đường Lê Lợi. Tuy nhiên, trong quá trình quan trắc, ban quản lý dự án nhận thấy có hiện tượng mực nước ngầm hạ đột ngột, độ lún nền và lún công trình lân cận tăng bất thường.
Dự án xây dựng khách sạn kết hợp nhà ở số 125-127 Lê Lợi được cho là nguyên nhân khiến nhà thầu tạm dừng thi công hơn 2 tuần quan Ảnh: Sỹ Đông
Từ đầu tháng 4/2019, Ban Quản lý ĐSĐT đã gửi văn bản đề nghị Sở Xây dựng và UBND quận 1 kiểm tra biện pháp thi công của dự án xây khách sạn nhưng chưa nhận được phản hồi.Tiếp đó, đơn vị này yêu cầu Tư vấn NJPT kiểm tra thường xuyên và khuyến cáo nhà thầu tạm dừng công tác đào đất khu vực này. Nhận được khuyến cáo, phía nhà thầu SMC4 đã tạm dừng đào đất để theo dõi, chờ kết quả kiểm tra từ cơ quan chức năng.
Điều đáng quan ngại là trong thời gian chờ đợi, ngày 15/4, nhà thầu SMC4 quan trắc mực nước ngầm và nhận được kết quả cho thấy mực nước ngầm ngoài tường vây gói thầu 1a tiếp tục hạ thấp, độ lún nền và lún tòa nhà lân cận tăng.
Cụ thể, tại điểm đo nhà số 52 Lê Lợi, độ lún đã tăng lên mức trên 27 mm, nếu độ lún tăng tới mức 30 mm thì buộc phải dừng thi công.
Ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng TP HCM), cho biết sau khi nhận được văn bản đề nghị của Ban Quản lý ĐSĐT, đơn vị này đã cử nhân viên xuống kiểm tra hiện trường.
Thực tế cho thấy công trình số 129 Lê Thánh Tôn không thi công mà chỉ có dự án xây dựng khách sạn kết hợp nhà ở tại địa chỉ số 125-127 Lê Thánh Tôn thi công tầng hầm, sử dụng biện pháp bơm hút nước ngầm.
Liên quan đến việc nhà thầu metro dừng thi công, ông Xuyên cho hay theo quy trình, khi công trình lân cận bị lún nghiêng (nhà số 52 Lê Lợi) thì phải ngừng thi công để kiểm tra dù vị trí dự án khách sạn cách metro khoảng 80 m.
Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng cho hay Sở Xây dựng không cấp phép biện pháp thi công tầng ngầm của dự án khách sạn, nhưng chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận.
"Sở Xây dựng đã yêu cầu chủ đầu tư trong tuần này phải cung cấp hồ sơ chứng minh đảm bảo an toàn", ông Xuyên cho biết thêm.
Xác định trách nhiệm khi nhà dân bị lún
Trao đổi với Zing.vn, ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban quản lý Dự án 1 (thuộc Ban Quản lý ĐSĐT TP HCM), phân tích nếu mực nước ngầm hạ thấp thì sẽ mất áp lực đẩy nổi công trình bên trên. Khi đó, các nhà dân gần dự án khách sạn đang xây dựng có nguy cơ bị sụt lún.
Chuyên gia xây dựng cho biết phương pháp bơm hút nước ngầm được nhiều đơn vị thi công áp dụng khi làm móng cho các công trình cao tầng như khách sạn, cao ốc văn phòng, chung cư. Khi đó, mực nước ngầm sẽ bị hạ thấp hơn bình thường gây sụt lún các công trình lân cận.
Mặt khác, tuyến metro cũng chuẩn bị thi công hệ khung chống, cần phải đào đất nên cũng có nguy cơ sẽ gây sụt lún các căn nhà này.
"Khi đó, chủ nhà sẽ không biết được dự án nào gây ra tình trạng bị lún nên sẽ khó khăn khi yêu cầu bồi thường. Do vậy, Ban quản lý ĐSĐT đề nghị đơn vị quản lý về xây dựng kiểm tra biện pháp thi công của dự án khác để xác định trách nhiệm của từng dự án tác động đến nhà dân", một chuyên gia phân tích.
Nhà số 52 Lê Lợi (cửa xanh) bị lún sau khi dự án khách sạn bơm hút nước ngầm thi công tầng hầm Ảnh: Sỹ Đông.
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi thị sát ngày 12/4/2019, Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM Bùi Xuân Cường thông tin tiến độ đạt 63,5%, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành kỹ thuật. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cuối năm 2020 dự án phải hoàn thành để vận hành chính thức vào năm 2021.Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý ĐSĐT, cho biết việc xây dựng khách sạn khiến mực nước ngầm hạ thấp, sụt lún nhà dân không nằm trong thẩm quyền xử lý của đơn vị này. Trong khi đó, dự án tuyến metro số 1 phải hoàn thành vào cuối năm 2020, buộc nhà thầu gói thầu 1a phải đẩy nhanh thi công và không thể dừng thi công lâu hơn nữa.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 nằm trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020.
Công trình khởi công tháng 8/2012, tuyến ĐSĐT số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Dự án có 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Vị trí bị sụt lún. Ảnh: Google Maps.