5 thói quen tài chính của người châu Á luôn khiến phương Tây ngỡ ngàng
Sự khác biệt trong văn hóa giữa phương Tây và phương Đông từ lâu luôn là một chủ đề thu hút nhiều lời bàn luận, đặc biệt trong thói quen và tư duy về tài chính. Xin Lu - một nữ kĩ sư phần mềm Trung Quốc có 16 năm học tập và làm việc tại Mỹ đã liệt kê 5 đặc điểm nổi bật về tư duy tài chính của người châu Á trái ngược hoàn toàn với phương Tây trong bài viết được đăng tải trên tạp chí tài chính Wisebread. Đó là gì?
Nguồn: Telegraph
1. Sống thanh đạm là một đức tính tốt
Sống thanh đạm, tiết kiệm không phải là khẩu hiệu của thời kì Chiến tranh Thế giới - khi hầu hết mọi quốc gia châu Á đều bị cuốn vào vòng xoáy của tàn phá và đói nghèo. Thực tế, đó là một khái niệm đã được truyền dạy từ hàng ngàn năm trước. Sách Tam Tự Kinh thậm chí khẳng định rằng ba kho báu lớn nhất con người có thể sở hữu là tình yêu, sự đạm bạc và tính hào phóng. Vì vậy, tính tiết kiệm đã là một phần trong lối sống của người châu Á.
Ngược lại, các quốc gia phương Tây luôn có những nhu cầu về chi tiêu, kích thích tiêu dùng và coi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế, công nghiệp phát triển thịnh vượng. Ngày nay, truyền thông phương Tây cũng đi đầu trong việc lăng xê các xu hướng hàng xa xỉ, đắt tiền cho cả thế giới.
2. Tiết kiệm càng nhiều càng tốt
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở Trung Quốc cao vượt bậc so với Mỹ. Theo báo cáo của CNN vào năm 2006, tỉ lệ tiết kiệm cá nhân của các hộ gia đình Trung Quốc là 30% trong khi con số này của người Mỹ đã chạm mức thấp kỉ lục cùng năm. Đến nay, nhiều người châu Á thuộc thế hệ trước vẫn thường xuyên tiết kiệm 50-60% thu nhập của mình dù con số đó có là hàng nghìn hay hàng chục nghìn USD.
3. Thanh toán mọi thứ bằng tiền mặt
Thẻ tín dụng hay thẻ ngân hàng hiện nay đều rất phổ biến ở các quốc gia châu Á kèm theo các ứng dụng thanh toán trực tuyến khá tiện lợi. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc đang đi tiên phong trong việc mã hóa tiền, các quốc gia khác phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt cho các giao dịch thông thường hàng ngày.
Theo quan điểm của người châu Á, việc nắm giữ nhiều tiền mặt cho họ cảm giác an toàn và thực tế với chi tiêu hơn một bảng sao kê của ngân hàng. Ngoài ra, họ vẫn còn dè dặt với các loại ví điện tử, thẻ ghi nợ và đó là một điều tốt.
4. Luôn mặc cả
Ở châu Á, mặc cả là một lối sống. Nếu bạn từng đến Trung Quốc, bạn nên đề nghị một mức giá giảm giá ít nhất 50-75% ở các cửa hàng hoặc khu chợ. Điều này đã thay đổi trong vài năm gần đây khi các cửa hàng cao cấp đang dần chuyển sang mô hình "không mặc cả". Tuy nhiên, rất nhiều nhà cung cấp và người bán vẫn sẵn sàng đàm phán. Đến nay, đây vẫn là một lợi thế và kĩ năng sinh tồn khá đặc biệt của người châu Á khi sinh sống tại Mỹ và châu Âu, theo Xin Lu.
5. Thu nhập không phải là một bí mật
Nếu bạn hỏi một người châu Á tại địa phương rằng anh ta hoặc cô ta kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng thì họ chắc chắn sẽ trả lời bằng một con số nào đó. Thảo luận về thu nhập của một người ở đây không phải khi nào cũng bị xem là khoe khoang vì không phải ai cũng giàu có và càng không phải xâm phạm bí mật đời tư.
Hầu hết người châu Á làm điều này như một cách trao đổi thông thường. Khi trò chuyện với mọi người và tìm hiểu thu nhập của họ, họ sẽ tiết lộ thêm về cách sống, nghề nghiệp... Trong văn hóa bản địa, hỏi về thu nhập không mang tính thô lỗ hay quá tò mò.