5 statrup Việt được Golden Gate Ventures 'đỡ đầu' là ai?
Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2019, Golden Gate Ventures đã “đỡ đầu” cho hơn 50 đơn vị, doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có công ty ở Việt Nam là BaoKim.vn, Wifi chùa, Appota, Go Jek và Lozi.
Tháng 6 vừa qua, với mục tiêu kết nối cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam với hệ sinh thái khu vực và tạo ra cuộc đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư toàn cầu. Lần đầu tiên Golden Gate Ventures đã bắt tay cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức một sự kiện cho cộng đồng start up có quy mô quốc tế mang tên Vietnam Venture Summit 2019.
Thông qua sự giúp sức của Golden Gate Ventures, sự kiện đã quy tụ hơn 100 quỹ đầu tư và các doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam, một số cái tên đáng chú ý có Temasek Holdings, GIC, SCG, Air Asia, SoftBank, Hanwa Asset Management, Go Jek, Aviva.... Tại sự kiện này, những thương vụ đầu tư lớn vào các dự án khởi nghiệp của Việt Nam sẽ được ký kết và công bố.
3 nhà sáng lập Golden Gate Ventures
Về phía Golden Gate Ventures, bên cạnh cương vị đồng tổ chức, quỹ đầu tư mạo hiểm này cũng đã lựa chọn những startup tiềm năng và đủ tiêu chí để “đỡ đầu”. Quỹ đầu tư vào các công ty mới khởi nghiệp về Internet và di động ở nhiều lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử, thanh toán, chợ điện tử, ứng dụng di động và nền tảng phần mềm dịch vụ (SaaS).
Quỹ thường tìm kiếm các công ty muốn huy động từ 1-5 triệu USD ở các vòng gọi vốn hạt giống, Series A hay vòng gọi vốn Bridge. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2019, năm cái tên được Golden Gate Ventures xướng tên bao gồm: BaoKim.vn, Wifi chùa, Appota, Go Jek và Lozi.
Baokim là một công ty thương mại điện tử cung cấp dịch vụ chuyển tiền, nạp thẻ, share tiền ăn tối, nhắc lịch trả phí.
Wifi chùa, một ứng dụng chia sẻ và tìm mật khẩu wifi miễn phí có trụ sở chính tại Láng Hạ. Ứng dụng này giúp người dùng tìm thấy mật khẩu wifi của những địa điểm xung quanh để có thể kết nối wifi.
Appota là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc cung cấp các nền tảng tiện ích cho điện thoại thông minh, hướng tới các lĩnh vực: Phát hành game, quảng cáo và thanh toán.
Golden Gates Ventures dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm các khoản đầu tư vào các start up ở Đông Nam Á
Go-Jek được ra mắt vào năm 2015 là một ứng dụng gọi xe ôm tại Jakarta. Đến nay, startup này đã mở rộng ra khắp Đông Nam Á, nhắm tới trở thành một "siêu ứng dụng" cung cấp đủ loại dịch vụ tiêu dùng. Startup này đang cung cấp hơn 20 dịch vụ theo yêu cầu trên nền tảng của mình, từ giao đồ ăn cho tới gọi taxi.
Lozi ban đầu hoạt động chủ yếu về quảng cáo món ăn/nhà hàng sau đó phát triển thành một công ty công nghệ cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Với việc mở rộng ra thêm các chuyên mục đăng bán quần áo thời trang nam, nữ, phụ kiện làm đẹp, thiết bị điện tử, mỹ phẩm, đồ chơi, nhạc cụ đã qua sử dụng.
Chia sẻ về các thương vụ đầu tư của mình với truyền thông quốc tế, Vinnie Lauria - nhà sáng lập của Golden Gate Ventures cho rằng: Tiềm năng startup của Đông Nam Á hiện tại có thể so sánh với Silicon Valey thời điểm năm 2005.
Có 3 lí do khiến Đông Nam Á sẽ ở thành một địa chỉ rót vốn mạo hiểm của toàn cầu: Mức tăng trưởng của tiêu dùng và mobile Internet; dòng vốn nước ngoài đổ vào khu vực ví dụ như các công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba và Tencent rót hàng tỷ USD vào các kỳ lân như Lazada, Tokopedia, Go Ject, Traveloka; sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân thứ hai sau khi các nhà sáng lập đang tách khỏi các công ty kỳ lân để bắt đầu các doanh nghiệp mới.
Với tốc độ tăng trưởng về tiêu dùng và Internet tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung như hiện nay, Golden Gates Ventures dự kiến sẽ tiếp tục tìm kiếm các khoản đầu tư vào các start up ở Đông Nam Á huy động vòng gọi vốn Series B ở mức 15-30 triệu USD. Dự kiến, series B sẽ xuất hiện trong 2 năm tới và con số này có thể tăng gấp đôi trong 4 năm.
Golden Gate Ventures được thành lập bởi 3 nhân viên Silicon Valey, bắt đầu hoạt động từ năm 2011 và huy động quỹ đầu tiên vào năm 2012 với quy mô khiêm tốn 10 triệu USD, quỹ thứ hai huy động đợt đầu 35 triệu USD từ đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin và quỹ Temasek Holdings.
Hai quỹ đầu của Golden Gate Ventures có tỷ suất hoàn vốn nội bộ IRR đạt 48% và 29%. Quỹ thứ ba của Golden Gate Ventures từ các cổ đông như Temasek, Hanwha (quỹ đầu tư của Hàn Quốc), Naver, EE Capital, ngoài ra còn có Mistletoe, Mitsui Fudosan, IDO Investments, CTBC Group, Tập đoàn đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVIC) và Ion Pacific với số vốn là 100 triệu USD.
Hiện tại, Golden Gate Ventures có khoảng 30 cố vấn trên toàn cầu, từ các nhà phát triển Facebook đến các cố vấn cấp cao tại các tập đoàn quốc tế. Các cố vấn này sẽ giúp các startup mở rộng mạng lưới hợp tác, mở ra cơ hội phát triển kinh doanh. Do có nhiều khoản đầu tư tại 7 quốc gia, Golden Gate Ventures có một mạng lưới những người sáng lập các công ty có thể học hỏi lẫn nhau thông qua các hội nghị nhà đầu tư hàng năm hay các chuyến đi phát triển kinh doanh ở nước ngoài.