|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

5 nhà đầu tư nổi tiếng chia sẻ bài học đau đớn nhất sự nghiệp và kinh nghiệm rút ra

07:24 | 04/03/2024
Chia sẻ
Để có thể tiến bộ khi đưa ra quyết định tài chính, mọi nhà đầu tư đều phải chịu rủi ro mắc sai lầm và học cách điều chỉnh.

Khi một nhà đầu tư thông minh nói chuyện, họ sẽ nhắc đến những ván cược thành công nhất trong sự nghiệp. Khi chia sẻ sâu hơn về hành trình của mình, họ cũng sẽ kể về những bài học đau đớn nhất.

Tờ Bloomberg đã phỏng vấn các nhà đầu tư tiếng tăm về những trải nghiệm trong quá khứ khiến họ nhớ mãi và bài học rút ra từ chúng. Dưới đây là những câu chuyện họ chia sẻ:

Bill Gross

Được mệnh danh là “vua trái phiếu”, từng điều hành quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới tại Pacific Investment Management Co. (PIMCO) 

(Ảnh: Bloomberg). 

Ông Gross sớm có được một bài học quan trọng khi vừa bắt đầu sự nghiệp đầu tư, nhưng theo cách không mấy dễ chịu. Chỉ vài tháng trước khi bắt đầu sự nghiệp tại PIMCO, ông mua trái phiếu kho bạc Mỹ với đòn bẩy 10:1 từ 10.000 USD ông thắng được trong 4 tháng ở Las Vegas.

Kinh nghiệm từ sòng bạc dạy ông rằng mọi ván cược chỉ nên giới hạn ở mức 3% giá trị tài sản ròng có thanh khoản. Tuy nhiên, ông đã gạt quy tắc này sang một bên và mua 100.000 USD trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm. Song, trái với kỳ vọng, giá trái phiếu sụt giảm và ông mất một nửa vốn trong vài tuần.

Ông nói tiếp: “Trong 40 năm tiếp theo, tôi tiếp tục mắc nhiều sai lầm khác trong thị trường trái phiếu, nhưng đây là lần thua lỗ lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm. Bài học rút ra là gì? Chỗ của cờ bạc là ở casino. Đầu tư đòi hỏi bạn phải sử dụng vốn thận trọng và tránh sử dụng đòn bẩy quá mức”.

Ann Miletti

Giám đốc bộ phận đầu tư cổ phiếu chủ động tại Allspring Global Investments 

(Ảnh: Bloomberg).  

Đầu thập niên 1990, bà Miletti cùng một cấp trên tham dự cuộc họp với một công ty hàng đầu chuyên về máy nhắn tin (pager). Công ty giới thiệu với họ một sản phẩm sẽ tính phí người dùng bằng số chữ. Sau khi họ thử nghiệm và tính toán, bà Miletti sẽ cần trả khoảng 300 USD một tháng, còn người cấp trên là 500 USD.

Trực giác và những gì bà Miletti tìm hiểu mách bảo rằng các khách hàng đăng ký dịch vụ của công ty đó sẽ không thể trả nổi đến 100 USD/tháng. Tuy nhiên, công ty của bà vẫn nắm giữ cổ phiếu này vì bà tin tưởng vào số liệu và bản phân tích của người cấp trên.

Khi đó, bà Miletti còn trẻ và vẫn đang học hỏi, không có đủ sự tự tin vào bản thân. Lẽ ra bà có thể đảo ngược quyết định của nhóm nhưng bà đã không làm thế. Sau hai năm, công ty máy nhắn tin phá sản. Công ty đầu tư của bà đã thoái vốn từ trước, nhưng đó vẫn là một bài học đắt đỏ.

Lời khuyên bà Miletti rút ra cho bản thân và những nhà đầu tư khác là “Hãy tin tưởng trực giác của chính mình”.

Alex Pack

Đối tác điều hành của Hack VC 

(Ảnh: Bloomberg).   

Theo ông Pack, đầu tư là môn thể thao đồng đội, không phải công việc cá nhân của một thiên tài đơn độc.

Ông nhấn mạnh: “Người bạn hợp tác cùng rất quan trọng. Warren Buffett cần Charlie Munger, Marc Andreessen cần Ben Horowitz”.

Thomas Lee

Đối tác điều hành của Fundstrat Global Advisors 

(Ảnh: Bloomberg).   

Một thông tin có vẻ tích cực đối với cổ phiếu không đồng nghĩa rằng giá cổ phiếu đó chắc chắn sẽ đi lên. Điều quan trọng với nhà đầu tư là phán đoán xem liệu có phải tin tốt đã được phản ánh vào giá cổ phiếu từ trước hay không.

Ông Lee từng là nhà phân tích chuyên theo dõi các cổ phiếu mạng không dây. Ông dành nhiều tiếng đồng hồ làm việc với các mô hình và đưa ra khuyến nghị đối với những cổ phiếu mà ông đoán là sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh tốt.

“Tuy nhiên, nhiều công ty báo cáo kết quả rất tốt song giá cổ phiếu lại không đi lên”, ông thuật lại.

Ông Lee rút ra bài học quan trọng là nên đánh giá thông tin và so sánh nó với kỳ vọng của thị trường. Về sau, ông luôn nhớ đến bài học này khi đưa ra dự báo về thị trường.

Shuhei Abe

Nhà sáng lập Sparx Group 

(Ảnh: Bloomberg).   

Năm 2002, ông Abe giới thiệu một quỹ hưu trí công nổi tiếng ở Mỹ cho một quỹ gắn kết doanh nghiệp Nhật Bản, làm việc với các công ty để thuyết phục họ thay đổi và nâng cao giá trị cho cổ đông, cải thiện giá cổ phiếu.

Ông nhận về 200 triệu USD vốn hạt giống và nâng giá trị các khoản đầu tư lên khoảng 3 tỷ USD. Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến, quỹ hưu trí rút tiền về vào năm 2008. Ông Abe phải đóng cửa quỹ.

Ông thấy hối hận vì đã ngừng chiến lược đó. Vài năm sau, giá cổ phiếu của một số công ty ông từng đầu tư tăng gấp ba lần. Lẽ ra quỹ của ông Abe đã có thể phát triển mạnh hơn và trở thành KKR của Nhật Bản.

Ông Abe nói: “Ngày nay gắn kết doanh nghiệp là chiến lược rất được ưa chuộng tại Nhật Bản. Sự hối tiếc này đã truyền cảm hứng để tôi không từ bỏ những ý tưởng và niềm tin mà tôi biết sẽ thành công”.

Giang