|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cố gắng chưa từng thấy để thúc đẩy ngành du lịch nhưng nỗ lực có nguy cơ hoá công cốc

14:07 | 09/01/2025
Chia sẻ
Chính sách dỡ bỏ hạn chế thị thực với quy mô chưa từng có của Bắc Kinh không tạo ra được cơn sốt cho ngành du lịch Trung Quốc như kỳ vọng.

Khách du lịch tham quan núi Fanjing ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: VCG). 

Kém xa mong đợi

Năm 2024, Trung Quốc đã thực hiện động thái chưa từng có là nới lỏng yêu cầu thị thực cho hàng chục quốc gia, mở rộng cửa chào đón 1,9 tỷ du khách tiềm năng. Song, số du khách mà Trung Quốc thu hút được trên thực tế kém xa hy vọng.

Phân tích của Bloomberg cho thấy kỳ vọng của Bắc Kinh về làn sóng du lịch đã không thành hiện thực. Khách du lịch từ Mỹ và phần lớn các nước Tây Âu lựa chọn điểm đến khác. Du khách từ các nước châu Á lân cận và các thị trường kém phát triển hơn phản ứng tích cực khi Trung Quốc cắt giảm giấy tờ và thủ tục.

Số du khách quốc tế tới Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 23 triệu người, chỉ bằng 63% số liệu cùng kỳ năm 2019, theo phân tích của Bloomberg dựa trên dữ liệu chính thức. Có rất nhiều lý do dẫn tới tình trạng này, chẳng hạn như do số chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài sụt giảm, quan hệ kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây thay đổi. 

Đối với Bắc Kinh, việc ngành du lịch không phục hồi như dự kiến sẽ hạn chế khả năng thúc đẩy nền kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư. Ông Tim Bacchus, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, nhận xét: “Sức hấp dẫn của Trung Quốc về mặt du lịch và kinh doanh đã giảm sút vì COVID-19, các chính sách của Bắc Kinh và tình hình địa chính trị”.

 

Cho tới nay, Trung Quốc đã đơn phương mở rộng chính sách miễn thị thực cho tổng cộng 38 quốc gia, tức là không yêu cầu những nước đó cũng miễn giấy tờ cho du khách Trung Quốc. Trước đại dịch, đặc quyền này chỉ giới hạn cho ba quốc gia là Nhật Bản, Singapore và Brunei.

Bắc Kinh cũng mở rộng chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quá cảnh chỉ đến Trung Quốc từ 10 ngày trở xuống. Chương trình này hiện áp dụng cho 54 quốc gia.

Ông Bacchus nhận xét việc bỏ qua đòi hỏi “có đi có lại” theo truyền thống cho thấy Bắc Kinh muốn có du khách quốc tế đến mức nào.

Trung Quốc đang phải vật lộn với giai đoạn giảm phát dài nhất kể từ năm 1999 trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Xuất khẩu, điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bị đe dọa bởi chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Điều đáng buồn hơn với Trung Quốc là những du khách họ thu hút được bằng chính sách miễn thị thực lại không phải nhóm chi tiêu mạnh tay.

Tại mức đỉnh hồi năm 2019, khách quốc tế rót 132 tỷ USD vào Trung Quốc, theo nghiên cứu của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới kết hợp với Oxford Economics.

Tuy nhiên, hội đồng ước tính du khách nước ngoài chỉ tiêu 98 tỷ USD tại Trung Quốc năm 2024, tương ứng mức giảm 26%.

Ông Guy Rubin, nhà sáng lập công ty lữ hành hạng sang Imperial Tours, cho biết khách hàng Mỹ hiện chỉ chiếm 40% doanh thu của công ty ông, kém xa mức 90% thời trước COVID-19. Thay vào đó, ông nhận thấy nhu cầu cao hơn từ những quốc gia có mối quan hệ giao thương tốt hơn với Trung Quốc như Trung Đông.

Phân tích của Bloomberg cho thấy những nước láng giềng gần nhất với Trung Quốc là những người tận dụng nhiều nhất chính sách miễn thị thực. Số lượt đặt vé khứ hồi đến Trung Quốc từ Malaysia nhảy vọt 69% vào năm 2024 so với năm 2019, còn số lượt đặt vé từ Thái Lan tăng 30%.

Và mặc dù phần lớn đặc quyền miễn thị thực được dành cho các nước châu Âu, du khách từ khu vực này lại không đổ xô đến Trung Quốc. Số lượt đặt vé khứ hồi từ Đức, Pháp và Italy lần lượt giảm 38%, 38% và 29%.  

Chính phủ Trung Quốc không cung cấp số liệu du khách nước ngoài theo từng quốc gia, nhưng chính quyền Bắc Kinh thì có. Và xu hướng tại Bắc Kinh có thể gợi ý những gì đang xảy ra trên khắp Trung Quốc bởi khoảng 10% du khách đến Trung Quốc dừng chân tại Bắc Kinh.

Lượt du khách từ Việt Nam và Malaysia đến Bắc Kinh tăng vọt so với năm 2019. Nga cũng vậy, một phần có lẽ bởi nước này chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.

 

Rào cản về hàng không, ngôn ngữ và công nghệ

Một trong những yếu tố hạn chế du khách tới Trung Quốc là số chuyến bay ít ỏi, ít nhất là từ các hãng hàng không quốc tế. Trong năm 2024, các hãng hàng không ngoại mới chỉ phục hồi 58% số chuyến bay đến và rời khỏi Trung Quốc so với năm 2019. Trong khi đó, mức độ phục hồi của các hãng bay Trung Quốc là 88%.

Các hãng hàng không châu Âu không thể sử dụng không phận Nga. Những chuyến bay đi vòng qua Nga tốn nhiều thời gian và chi phí nhiên liệu đáng kể hơn trước. Nhiều công ty phản ứng bằng cách cắt giảm lịch trình bay đến Trung Quốc.

Ngay cả những chuyến đi không sử dụng không phận Nga cũng không thực sự khả thi do nhu cầu thấp của hành khách. Giám đốc Tài chính Yuji Saito của Japan Airlines cho biết lượt đi đến Trung Quốc chỉ bằng 40% mức trước đại dịch.

Một số hãng hàng không vận hành tại Trung Quốc trong hàng chục năm qua cũng đã hủy các chuyến bay tới Trung Quốc, bao gồm Atlantic Airways, Lufthansa, Scandinavian Airlines, Qantas Airways và British Airways, vì chúng không đem lại lợi ích tài chính.

Sự thay đổi trong các mối quan hệ kinh tế là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhu cầu đến Trung Quốc sụt giảm. Doanh nghiệp phương Tây đang do dự trong việc tăng cường đầu tư vào Trung Quốc do sự phức tạp về quy định và căng thẳng địa chính trị, khiến số lượt đặt chuyến đi công tác tới Trung Quốc giảm nặng nề.

Ngoài các vấn đề logistics và địa chính trị, Trung Quốc vẫn là một nơi đầy thử thách với nhiều du khách. Tiếng Anh không được sử dụng phổ biến ngay cả tại những trung tâm như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Quốc gia này có hệ thống thanh toán di động riêng và việc sử dụng có thể rất khó khăn với người không biết tiếng. Việc sử dụng tiền mặt lại thường gặp phải thái độ lạnh lùng. Và một số trang web thông dụng như Google hay Instagram lại bị cấm ở Trung Quốc.

Giang