5 nguy cơ có thể kéo tụt chứng khoán Mỹ khỏi đỉnh lịch sử
Chuỗi ngày tăng điểm của chứng khoán Mỹ tiếp tục nối dài trong phiên 2/11, với các chỉ số chứng khoán lập thêm kỷ lục mới và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa vượt mốc 36.000 điểm. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp mà cả Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cùng nhau lập đỉnh.
Một trong những động lực chính của đà tăng mới nhất này là lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ. FactSet cho biết tính đến ngày 2/11, trong số các doanh nghiệp S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, khoảng 83% có lợi nhuận vượt kỳ vọng của Phố Wall.
Ông Ryan Detrick, Giám đốc đầu tư của công ty tài chính LPL Financial viết trong lưu ý đầu tuần: "Nếu triển vọng thị trường ngắn hạn của chúng tôi rốt cuộc lại trở thành quá lạc quan, tôi tin rằng ít nhất một trong 5 yếu tố sau sẽ là thủ phạm: Lạm phát, sự mạnh tay của Fed, áp lực biên lợi nhuận, thành quả của hai tháng cuối năm bị "đánh cắp" và khả năng tâm lý thị trường quá hưng phấn".
Dưới đây là 5 yếu tố mà LPL Financial cho là rủi ro tới thị trường chứng khoán Mỹ:
1. Lạm phát
Lạm phát giá tiêu dùng và giá bán buôn đã leo lên lên đỉnh nhiều năm và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang "dần chấp nhận" rằng lạm phát có thể kéo dài lâu hơn dự kiến.
"Lạm phát đã đi xuống một chút trong thời gian gần đây. Nhưng chúng tôi tin lạm phát có thể quay đầu tăng trở lại trong quý IV hoặc đầu năm sau khi việc mở cửa hậu cú sốc cầu đẩy giá cả tại những lĩnh vực mà áp lực giá đã chững lại hoặc đi xuống khi hoạt động kinh tế giảm tốc, ví dụ như vé máy bay, tiền thuê nhà và xe cũ", ông Detrick viết.
Thời gian cần để tháo gỡ gián đoạn chuỗi cung ứng là "yếu tố quyết định" đến lạm phát, vì đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng cung-cầu đã đẩy giá lên cao trong thời gian qua.
2. Fed mạnh tay
Theo Business Insider, đông đảo các chuyên gia dự kiến rằng Fed sẽ thông báo kế hoạch giảm bơm tiền (taper) khi kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 3/11.
Fed bắt đầu chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD/tháng từ tháng 3/2020 để đối phó với khủng hoảng COVID-19. LPL Financial dự kiến Fed sẽ chấm dứt việc mua trái phiếu vào giữa năm 2022 và rồi bắt đầu tăng lãi suất vào đầu 2023.
"Tuy nhiên, nếu lạm phát dai dẳng hơn phán đoán của chúng tôi và Fed buộc phải phản ứng mạnh bạo hơn vào đầu năm tới – đầu tiên là đẩy nhanh kế hoạch taper và sau đó là tăng lãi suất ngắn hạn – tăng trưởng kinh tế rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực và khiến nhà đầu tư bất an".
3. Áp lực biên lợi nhuận
"Cho đến nay các doanh nghiệp đã chèo chống một cách tuyệt vời qua gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động và vật liệu, cũng như các áp lực chi phí liên qua". Tuy nhiên, ông Detrick cảnh báo rằng vẫn có những lý do đáng để lo ngại.
Biên lợi nhuận doanh nghiệp đang cao hơn mức trước đại dịch và có rủi ro đi xuống. Tình trạng thiếu hụt lao động đã khiến các nhà tuyển dụng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút người lao động, dẫn đến mức lương tháng 9 tăng vọt 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, nhiều nhà sản xuất còn phải đối phó với thiếu hụt nhiên liệu đang khiến chi phí đầu vào đi lên.
"Những áp lực này có thể bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp nếu chúng tiếp tục chồng chất. Đến giờ, tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ vẫn đang lấn át áp lực biên lợi nhuận. Nhưng với định giá chứng khoán đang rất cao, nếu lợi nhuận không vượt được ải thì thị trường có thể hoảng sợ".
4. Thị trường gặt hái sớm "quả ngọt"
Thị trường chứng khoán Mỹ bước vào tháng 11 sau khi đi lên vượt trội trong tháng 10. "Đó chính là rắc rối: Rất có thể tháng 10 đã "ăn cắp" một số thành tựu mà chúng ta thường chứng kiến vào giai đoạn cuối năm", theo ông Detrick.
Trong quá khứ, trung bình chỉ số S&P 500 tăng 3,3% trong hai tháng cuối năm. Nhưng khi S&P 500 tăng hơn 5% trong tháng 10, mức tăng trung bình của hai tháng tiếp theo chỉ là 2,1%.
"Sau một năm mà chúng ta đã trải qua, hẳn không ai phản đối với nhận định của chúng tôi là thị trường vẫn còn bước tiến khiêm tốn vào cuối năm. Nhưng chúng tôi đã kìm hãm kỳ vọng về thị trường có thể xanh đến mức nào trong hai tháng cuối cùng".
5. Tâm lý lạc quan
Theo LPL Financial, tâm lý là rủi ro kỹ thuật nhà đầu tư cần để mắt tới.
Tỷ lệ người lạc quan trong Khảo sát Tâm lý Nhà đầu tư cá nhân của Hiệp hội Nhà đầu tư Mỹ đã tăng hơn gấp đôi so với đáy tháng 9. Trong khi đó, chỉ số sợ hãi VIX đang ở gần mức thấp nhất kể từ trước khi đại dịch bắt đầu.
"Nhìn chung, chúng tôi chưa thấy bằng chứng nào chỉ ra rằng tâm lý đang tiệm cận mức cực đoan, hay các xu hướng kỹ thuật không ủng hộ quan điểm tích cực. Nhưng nếu chứng khoán Mỹ thực sự tiếp tục đi lên trong vài tháng tới, rủi ro tâm lý có thể gia tăng".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/