|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

42 tỉ phú giàu ngang 3,7 tỉ người

08:10 | 23/01/2018
Chia sẻ
Hơn 80% số tài sản được tạo ra trên toàn cầu năm ngoái đã chảy vào túi của nhóm siêu giàu chỉ chiếm 1% tổng dân số thế giới.

Một tổng giám đốc điều hành của công ty thuộc nhóm 5 nhãn hiệu thời trang hàng đầu thế giới chỉ cần làm việc 4 ngày là đủ số tiền mà một công nhân may mặc ở Bangladesh có thể kiếm được nếu làm việc cho đến hết đời. Sự tương phản “chát” nhưng hết sức thực tế này đã được tổ chức phi chính phủ Oxfam đưa ra làm ví dụ khi công bố báo cáo nhan đề “Reward Work, Not Wealth” (tạm dịch: Hãy tưởng thưởng cho sức lao động, chứ không phải cho người giàu) hôm 22.1, theo Reuters.

42 ti phu giau ngang 37 ti nguoi
Lao động trẻ em là một trong những vấn nạn tại những nước nghèo (ảnh: Reuters)

Bằng việc công bố báo cáo một ngày trước khi Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại khu trượt tuyết sang trọng Davos của Thụy Sĩ (từ 23 - 26.1), tổ chức có trụ sở tại Oxford (Anh) muốn nêu bật lên một thực tế đầy cay đắng rằng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng bị nới rộng.

Báo cáo của Oxfam cho biết 82% số tài sản được tạo ra trên toàn thế giới trong năm 2017 đã thuộc về 1% dân số giàu nhất thế giới, trong khi phân nửa số dân nghèo nhất (3,7 tỉ người) vẫn không thấy túi tiền của họ tăng thêm được xu nào. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh tài sản của giới tỉ phú tăng trung bình 13%/năm trong một thập niên bắt đầu từ năm 2006, ở tốc độ nhanh gấp 6 lần hơn so với mức lương trung bình của công nhân, theo Hãng tin AP.

Số tỉ phú tiếp tục gia tăng chóng mặt, theo đó từ tháng 3.2016 - 3.2017 cứ hai ngày thế giới lại xuất hiện thêm một tỉ phú. Tuy nhiên, bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam International, phân tích “số tỉ phú tăng mạnh không phải là dấu hiệu cho một nền kinh tế phát đạt, thay vào đó là triệu chứng thể hiện hệ thống kinh tế thất bại”. “Những người may quần áo, lắp ráp điện thoại và làm ra thực phẩm cho chúng ta vẫn đang bị bóc lột công sức lao động theo hướng đảm bảo được nguồn cung hàng hóa giá rẻ và làm phồng hầu bao của các công ty và nhà đầu tư tỉ phú”, bà nhấn mạnh.

Trong báo cáo năm nay, Oxfam cho biết đã thực hiện một số điều chỉnh liên quan đến tính toán tài sản dựa trên dữ liệu mới do Ngân hàng Credit Suisse cung cấp. Theo số liệu này, 42 người giàu nắm giữ khối tài sản tương đương của 3,7 tỉ người thuộc nhóm dân số nghèo nhất, so với 61 người trong năm ngoái (điều chỉnh từ 8 người trong báo cáo trước) và 380 người vào năm 2009. Oxfam cũng liệt kê một loạt hành động mà họ cho là các chính phủ thế giới nên nhanh chóng cân nhắc, bao gồm giới hạn khoản chia lãi cho cổ đông và giới chủ điều hành, đảm bảo người lao động nhận được “mức lương đủ sống” ở mức tối thiểu, thúc đẩy thông qua các chính sách loại bỏ khoảng cách tiền lương theo giới tính, bảo vệ quyền lợi các lao động nữ.

Tổ chức này cũng kêu gọi các chính phủ hãy mạnh tay hơn nữa trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng trốn thuế như đã được phản ánh trong cái gọi là “Hồ sơ Panama”. Đây là hồ sơ do Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) công bố ngày 4.4.2016, phanh phui hoạt động chi tiết của Hãng luật quốc tế Mossack Fonseca ở Panama trong suốt 40 năm. Qua đó, ít nhất 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia cùng người thân, hàng chục chính khách, tỉ phú và người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty “ma” nhằm che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu những hành vi phạm tội khác. Trước thềm hội nghị WEF tại Davos, Oxfam kêu gọi đã đến lúc nhóm tinh hoa của thế giới hãy ngừng thảo luận mà nên bắt tay vào hành động thực tế để tạo được sự chuyển đổi tích cực.

Tính đến cuối tháng 12.2017, Hãng tin Bloomberg cho biết những người giàu nhất thế giới đã bổ sung 1.000 tỉ USD vào tổng tài sản của họ trong năm 2017, hơn gấp 4 lần so với mức đạt được của năm trước đó.

Tính đến ngày 12.1, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đã soán ngôi tỉ phú Bill Gates của Microsoft để trở thành người giàu nhất thế giới. Bloomberg thống kê được giá trị tài sản ròng của ông Bezos là 109 tỉ USD, kế đến là ông Gates (94 tỉ USD) và trùm tài chính Warren Buffett (91,7 tỉ USD).

Thụy Miên

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.