|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

4 xu hướng phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới

14:28 | 13/07/2021
Chia sẻ
Theo Vietnam Report, 4 xu hướng phát triển lớn nhất của ngành ngân hàng tại Việt Nam hiện nay là phát triển ngân hàng xanh, ngân hàng số, ngân hàng đại lý và đầu tư an ninh mạng

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia trong tháng 6,7 vừa qua, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết 4 xu hướng phát triển dẫn đầu của ngành ngân hàng trong thời gian tới là phát triển ngân hàng xanh, ngân hàng số, ngân hàng đại lý và đầu tư an ninh mạng.

Vietnam Report: 4 xu hướng phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới - Ảnh 1.

Top 4 xu hướng phát triển của ngành ngân hàng (Nguồn: Vietnam Report)

'Phát triển ngân hàng xanh là xu thế tất yếu'

Theo Vietnam Report, với vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng góp phần quan trọng trong “xanh hóa” nền kinh tế, ưu tiên cho vay các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế xanh như: Năng lượng tái tạo; Dịch vụ môi trường; Nước; Bất động sản xanh; Giao thông xanh; Thực phẩm; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Năng lượng hiệu quả. 

Các cam kết về tài chính bền vững và ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cũng đang nhanh chóng bắt đầu trở thành một phần không thể thiếu của lĩnh vực ngân hàng trên toàn cầu.

Báo cáo cũng cho biết tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu hoạt động cho vay của ngân hàng còn thấp mặc dù Chính phủ đã đưa ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2012.  Nguyên nhân chủ yếu là những lo ngại về rủi ro ở các ngân hàng có quy mô lớn. 

Phát triển ngân hàng số mạnh mẽ hơn

Theo báo cáo, dịch bệnh xuất hiện khiến tâm lý, hành vi tiêu dùng và đầu tư của khách hàng thay đổi, nhưng cũng là chất xúc tác thúc đẩy cả các ngân hàng và khách hàng tiến tới sử dụng các dịch vụ ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn.

"Đây là cơ hội để ngân hàng cơ cấu lại nguồn thu, dịch chuyển dần từ thu dịch vụ tín dụng sang thu dịch vụ thông qua phát triển cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân," báo cáo nhận định. 

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng năm 2021 sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số. Theo đó, cuộc đua về chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở khối các ngân hàng TMCP tư nhân mà còn cả trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới cuối năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua di động tăng tới hơn 1.111,2% và 4.049,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Vietnam Report: 4 xu hướng phát triển ngành ngân hàng trong thời gian tới - Ảnh 2.

Khảo sát các ngân hàng TMCP tháng 6/2021 (Nguồn: Vietnam Report)

Trong tháng 6, Vietnam Report đã thực hiện khảo sát với các ngân hàng về tình hình triển khai chuyển đổi số, kết quả ghi nhận 58,33% ngân hàng đang triển khai trên quy mô, 16,67% ngân hàng đã triển khai một phần và có 25% ngân hàng đang ở giai đoạn củng cố hệ thống vận hành.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra rằng nhiều ngân hàng đã áp dụng nền tảng dữ liệu di động, dữ liệu lớn (Big data), ngân hàng mở, tự động hóa quy trình bằng Robot, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), chatbot, ... ở mức cao và rất cao để phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng blockchain còn ở mức hạn chế.

Tập trung đầu tư mạnh vào an ninh mạng

Báo cáo nhận định rủi ro an ninh mạng là một thách thức đối với các ngân hàng. Do đó, an ninh mạng sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các ngân hàng trong thời gian tới.

Điều này nhằm bảo vệ tất cả dữ liệu nhạy cảm và đảm bảo mức độ bảo mật cao nhất cho thông tin tài chính của khách hàng, tránh những tổn thất tài chính và tổn hại danh tiếng.

Các tổ chức tài chính cũng sẽ chú trọng đầu tư mạnh hơn nữa vào việc gia cố an toàn toàn thông tin dữ liệu thông qua các biện pháp bảo mật mới và đa dạng hóa cách thức lưu trữ dữ liệu tài chính của khách hàng.

Xu hướng chuyển đổi, phát triển mạnh hơn ngân hàng đại lý

Theo Vietnam Report, nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính, nhất là tại vùng các vùng nông thôn, miền núi. Thống kê của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy mới có khoảng trên 40% người dân có tài khoản ngân hàng. 

Những yếu tố này vừa tạo dư địa tăng trưởng cho ngành ngân hàng và đồng thời cũng đặt ra bài toán buộc các ngân hàng phải tìm ra giải pháp để khai thác thế mạnh và nhân rộng mô hình hoạt động tại thị trường nông thôn, miền núi và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính với người dân. 

"Với nhiều yếu tố thuận lợi cùng sự khuyến khích của Nhà nước, có lẽ đã đến thời điểm thích hợp để các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đại lý,"' Vietnam Report nhận định.

Phương Nga