4 xu hướng mới trong tiêu dùng ở châu Á trong năm 2020
Châu Á là khu vực thương mại điện tử lớn nhất thế giới, và xét theo khía cạnh nào đó, châu Á đang tạo nhịp cho ngành thương mại điện tử toàn cầu. Những tập đoàn lớn như Alibaba hayJD.com đã đi tiên phong trong nỗ lực định hình lại hành vi của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ.
Giới phân tích nhất trí rằng, ngày nay, phần lớn sự đổi mới sáng tạo trong thương mại điện tử và giao vận đều tới từ châu Á, theo Entrepreneur.
Vào năm 2020, giới phân tích dự đoán doanh số bán lẻ toàn cầu sẽ giảm, và châu Á không phải ngoại lệ, do nhu cầu giảm ở Trung Quốc, theo The Economist. Nhưng châu Á sẽ chiếm gần 45% doanh số bán lẻ toàn cầu.
Đến năm 2040, châu Á sẽ chiếm tới 40% doanh số bán lẻ toàn cầu và sẽ dẫn dắt thế giới về phương diện thương mại, vốn, tài năng, đổi mới, theo một nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey.
"Câu hỏi bây giờ không còn là châu Á sẽ trỗi dậy nhanh tới mức nào, mà là châu Á sẽ dẫn dắt thế giới ra sao?", báo cáo của Viện Toàn cầu McKinsey nhấn mạnh.
Những sản phẩm cỡ lớn, giá trị cao bắt đầu xuất hiện trên chợ trực tuyến
Nếu tính trung bình, người dân châu Á thường chọn những sản phẩm có giá từ 5 tới 15 USD khi mua hàng trực tuyến. Phần lớn sản phẩm họ mua là hàng tạp hóa và đồ dùng trong gia đình.
Với những sản phẩm có kích cỡ lớn và giá trị cao, họ thường mua trực tiếp ở cửa hàng, siêu thị.
"Giao dịch những sản phẩm có giá trị cao vẫn chủ yếu diễn ra tại điểm bán, song chúng tôi thấy tỉ lệ giao dịch chúng trên các chợ trực tuyến đang tăng dần nhờ sự cải thiện của hệ thống thanh toán và giao vận", Hao Tran, giám đốc của công ty truyền thông Vietcetera Media ở Việt Nam, nhận xét.
Sự lên ngôi của những cửa hàng bán đồ theo phong cách riêng
Nhờ sự phát triển chóng mặt của ngành giao vận - kết quả trực tiếp của sự bùng nổ thương mại điện tử - mọi người đều có thể lên mạng và bán mọi thứ họ muốn.
Sự phổ cập Internet mạnh mẽ ở châu Á đã góp phần vào sự trỗi dậy của những cửa hàng bán đồ theo phong cách riêng. Họ bán hàng qua nhiều kênh và chỉ tập trung vào một loại sản phẩm như mĩ phẩm hữu cơ, quần áo tái chế, thời trang hữu cơ.
Mặc dù các trang thương mại điện tử thu hút khách hàng bằng giảm giá sâu hàng ngày, sự tăng lên của mức thu nhập trung bình và thu nhập khả dụng ở châu Á đã cho phép các cửa hàng bán đồ theo phong cách riêng thu hút những người tiêu dùng không quan tâm tới giá, mà chỉ cần những sản phẩm có chất lượng cao và phong cách độc nhất.
Blockchain giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng
Khả năng theo dõi hàng tiêu dùng bằng công nghệ blockchain sẽ tăng, trong bối cảnh hàng giả và hàng chất lượng thấp tiếp tục là vấn đề lớn ở các nước châu Á. Đó là dự đoán của Christian Oertel, giám đốc tiếp thị toàn cầu của tập đoàn Conflux ở Singapore.
"Hàng tiêu dùng xuất khẩu cũng sẽ trở nên minh bạch hơn về nguồn gốc nhờ ứng dụng của công nghệ Blockchain", ông nói.
Oertel nhấn mạnh rằng thông tin đáng tin cậy về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm sẽ trở nên quan trọng hơn đối với người tiêu dùng toàn cầu. Bên cạnh hàng tiêu dùng, dược phẩm là mặt hàng mà người mua rất coi trọng xuất xứ và chất lượng.
"Thông tin minh bạch và đáng tin cậy là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe người dân", Oertel bình luận.
Tiêu dùng bền vững trong ngành thời trang
2020 có thể là một năm tương đối khó khăn với ngành thời trang toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng chỉ còn 2-3%, theo McKinsey. Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng giảm, bền vững vẫn là yếu tố mà người châu Á cũng như ngành thời trang toàn cầu, lưu ý trong năm 2020.
Trong năm nay, ý thức về môi trường và trang phục của người tiêu dùng trở nên mạnh hơn. Thực tế ấy sẽ thúc đẩy sự ra đời của những startup chế tạo loại sợi nilon tái chế.