Startup châu Á đặt cược vào thị trường công nghệ tiêu dùng hơn 410 tỉ USD tại Mỹ
Các startup châu Á đang tích cực "nhòm ngó" để mảng công nghệ tiêu dùng tại Mỹ, và họ có lí do chính đáng để làm điều này.
Theo Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (Consumer Technology Association, hay CTA), đơn vị tổ chức hội chợ công nghệ tiêu dùng lớn nhất thế giới CES, mảng công nghệ tiêu dùng ở Mỹ ước đạt có thể ghi nhận doanh thu kỉ lục 422 tỉ USD trong năm nay, tăng 4% so với năm 2018.
Các thiết bị trí tuệ nhân tạo và 5G được xem là động lực chính cho tăng trưởng, theo CTA. Dù vậy, tổ chức này cho biết "bất kì tình huống leo thang nào trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng có thể ảnh hưởng đến dự đoán".
Sức hút từ sự tăng trưởng trên đã khiến hơn 200 công ty mang các sản phẩm như gương thông minh, dụng cụ đeo cho chó hay các thiết bị thông minh tương tự khác đến CES UNVEILED, một sự kiện bên lề trước khi CES 2020 chính thức khai màn vào hôm nay (7/1).
Lululab, một công ty Hàn Quốc tách ra từ chương trình vườn ươm C-lab của Samsung, mời khách tới thăm quan ngồi trước một chiéc gương có thể phân tích tình trạng da mặt.
Chiếc gương cũng có thể kết nối và điều chỉnh các thiết bị làm đẹp đồng thời thông báo người dùng về các điều kiện ngoại cảnh như độ ẩm hay mức độ tia cực tím. Gương thông minh từ Lululab sẽ bán ra tại Mỹ vào mùa hè năm nay với giá trên dưới 3.000 USD.
Ở khu vực giải pháp nhà thông minh, igloohome của Singapore mang đến các thiết bị khoá thông minh có thể sử dụng với chìa khoá Bluetooth, RFID và một số kết nối khác. Người dùng cũng có thể theo dõi hoạt động khoá – mở của mình thông qua bản ghi.
Trong khi đó, mui Lab của Nhật Bản giới thiệu thiết bị điều khiển nhà thông minh bằng gỗ với màn hình cảm ứng và một bảng đo chiều cao thông minh.
CES 2020 cũng không thiếu những thiết bị đeo thông minh. Langualess (Nhật Bản) mang đến một thiết bị đeo cho cún cưng có thể hiển thị cảm xúc của chúng. Langualess kì vọng có thể triển khai chương trình gọi vốn cộng đồng cho sản phẩm của mình tại Mỹ.
Giữa bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, RoboSense và Fujian Nanping Nanfu Battery là một trong số ít các công ty Trung Quốc có mặt ở triển lãm.
RoboSense giới thiệu sản phẩm phát hiện ánh sáng cho ứng dụng xe tự hành cùng thuật toán AI riêng để phát hiện các vật thể như xe hơi, xe tải hay con người khi tham gia giao thông. Fujian Nanping Nanfu Battery trong khi đó giới thiệu pin kích thước AAA có thể sạc lại.
Mặc dù chưa có số liệu cụ thể từ ban tổ chức, một số nguồn tin nói rằng số lượng các công ty tham gia CES 2020 có xu hướng giảm so với năm ngoái. Một phần lí do đến từ thực tế rằng ít công ty Trung Quốc sẽ xuất hiện. Dù vậy, Nikkei nhận định vẫn còn sớm để đánh giá.
Đặt các vấn đề chính trị sang một bên, CES năm nay được dự đoán mang tính chất tiêu dùng và thương mại hơn là các vấn đề liên quan đến tính chất ngành công nghiệp, theo chia sẻ của một công ty phát triển hệ thống máy tính đã có mặt ở CES 8 lần. Vì lí do này, CES sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của người dùng đại trà hơn.