|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 nhà máy tại Việt Nam mang về bao nhiêu tiền cho Samsung Electronics trong năm 2022?

13:54 | 06/03/2023
Chia sẻ
Samsung Thái Nguyên hay SEVT là đơn vị đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu và lợi nhuận của 4 nhà máy Samsung Electronics tại Việt Nam trong năm qua.

Vừa qua, gã khổng lồ Samsung Electronics của Hàn Quốc đã công bố báo cáo tài chính năm 2022, trong đó bao gồm kết quả kinh doanh cả năm 2022 của 4 nhà máy thuộc Samsung Electronics tại Việt Nam là Samsung Electronics Vietnam (Samsung Bắc Ninh), Samsung Electronics Vietnam Thainguyen (Samsung Thái Nguyên), Samsung Display Vietnam và Samsung Electronics HCMC CE Complex.

Theo đó, doanh thu của 4 nhà máy này trong cả năm tài chính 2022 lần lượt là 18,2 tỷ USD; 28 tỷ USD; 19,8 tỷ USD và 4,8 tỷ USD. Tổng cộng, 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam đạt doanh thu gần 71 tỷ USD trong năm tài chính 2022, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận của 4 nhà máy trong cả năm tài chính 2022 lần lượt là 1,2 tỷ USD; 2,1 tỷ USD; 1 tỷ USD và 299 triệu USD. Tổng cộng, 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam đạt lợi nhuận khoảng 4,6 tỷ USD trong năm 2022, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu và lợi nhuận của 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam trong năm 2022 đều tăng so với năm trước. (Ảnh: Báo Chính phủ). 

Xét về tỷ trọng, Samsung Thái Nguyên (SEVT) vẫn là nhà máy đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam trong cả năm 2022. Cụ thể, trong năm qua, SEVT dạt doanh thu 28 tỷ USD và lợi nhuận 2,1 tỷ USD. Ngoài ra, cả doanh thu và lợi nhuận của SEVT trong năm qua cũng chứng kiến mức ăng trưởng so với năm 2021.

Ngược lại, Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) là đơn vị chiếm tỷ trọng thấp về cả doanh thu và lợi nhuận của 4 nhà máy thuộc Samsung Electronics tại Việt Nam trong năm 2022.

Cụ thể, trong năm qua, SEHC đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 4,8 tỷ USD và 299 triệu USD, chiếm tỷ lệ lần lượt 6% tổng doanh thu và 6,5% tổng lợi nhuận của 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam. Trái với những gì SEVT ghi nhận được, con số về doanh thu và lợi nhuận của SEHC trong năm 2022 lại chứng kiến mức giảm so với năm 2021.

Mảng kinh doanh chip lao dốc, Samsung vẫn đặt niềm tin

Trước đó, gã khổng lồ Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng cho biết lợi nhuận từ hoạt động trong quý IV/2022 của họ đã giảm gần 70% so với một năm trước, do suy thoái kinh tế toàn cầu làm ảnh hưởng đến doanh số bán các thiết bị điện tử và chất bán dẫn cung cấp năng lượng cho chúng, theo nguồn tin từ Korea Times.

Nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại di động lớn nhất thế giới cho biết lợi nhuận từ hoạt động từ tháng 10 đến tháng 12/2022 của họ đã giảm 69% so với một năm trước đó xuống mức thấp nhất trong 8 năm là 4.300 tỷ won (3,49 tỷ USD).

Đó là mức lợi nhuận hoạt động hàng quý thấp nhất của gã khổng lồ công nghệ kể từ quý III/2014 và thấp hơn 18,6% so với ước tính trung bình của Yonhap Infomax, công ty dữ liệu tài chính của Yonhap News Agency.

Công ty cho biết doanh số bán hàng đã giảm 8% xuống còn 70.460 tỷ won trong ba tháng kết thúc vào ngày 31/12/2022. "Môi trường kinh doanh đã xấu đi đáng kể trong quý IV/2022 do nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với suy thoái tiềm tàng", công ty cho biết trong một tuyên bố.

Hoạt động kinh doanh chip của Samsung, chiếm khoảng 56% tổng lợi nhuận của công ty công nghệ này một năm trước, đã bị ảnh hưởng nặng nề khi những người mua chất bán dẫn cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh lượng hàng tồn kho ngày càng tăng và tình trạng thừa cung khiến giá chip giảm.

Mảng kinh doanh này đã báo cáo mức lợi nhuận từ hoạt động đạt 270 tỷ won, giảm tới 96,9% so với mức lợi nhuận từ hoạt động 8.840 tỷ won một năm trước. Doanh thu của mảng kinh doanh này cũng giảm xuống 20.070 tỷ won từ mức 26.010 tỷ won cùng kỳ năm trước.

Samsung cho biết: “Nhu cầu tổng thể về chip nhớ đã suy yếu khi khách hàng tiếp tục điều chỉnh lượng hàng tồn kho trong bối cảnh những bất ổn kinh tế toàn cầu ngày càng sâu sắc ở môi trường bên ngoài”.

Doanh thu từ mảng kinh doanh chip nhớ toàn cầu đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, công ty nghiên cứu công nghệ Gartner cho biết, khi các nhà sản xuất thiết bị điện tử "bắt đầu cạn kiệt kho chip nhớ mà họ đang nắm giữ trước nhu cầu mạnh hơn".

Dù vậy, Samsung Electronics cho biết họ không có kế hoạch cắt giảm đầu tư vào chip bán dẫn trong năm nay, bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy yếu khiến ngành sản xuất chip rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ.

Samsung cho biết vốn đầu tư vào ngành trong năm 2023 vẫn được giữ nguyên so với năm 2022, trái ngược với SK Hynix và Micron Technology, khi hai công ty này cho biết họ sẽ cắt giảm đầu tư. Nhà phân tích Choi Yoo-june tại Shinhan Securities cho biết: “Samsung có thể coi thời điểm này là cơ hội tốt để tăng thị phần, điều này sẽ giúp ích cho hãng trong dài hạn, bất chấp điều này gây hại cho SK Hynix và Micron".

Anh Nguyễn