|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

4 dự án giao thông đang và sắp làm để xóa thế sông nước cô lập của Cần Giờ

09:57 | 27/08/2023
Chia sẻ
Có 4 dự án giao thông đang và sắp triển khai để xóa thế cô lập bởi sông và biển của huyện Cần Giờ, TP HCM.

Cần Giờ là huyện duy nhất giáp biển ở TP HCM, nằm ở phía đông nam, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Huyện nằm tách biệt với các địa phương lận cận bởi sông và biển, có diện tích khoảng 704 km2.

Do ngăn cách với các địa phương khác bởi biển và nhiều sông lớn, chưa có cầu bắc qua nên hiện tại đến Cần Giờ đều phải di chuyển bằng đường thủy, chủ yếu là qua phà Bình Khánh. Đường bộ quan trọng nhất ở Cần Giờ là đường Rừng Sác chạy từ tây bắc tới đông nam huyện.

Thời gian gần đây, Cần Giờ thu hút sự chú ý của nhiều người dân trong nước với thông tin về dự án "siêu cảng" quốc tế. Theo tìm hiểu, cách đây ít ngày, TP HCM đã trình Chính phủ đề án xây dựng dự án này. Theo đó, vị trị cảng dự kiến đặt tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với tổng diện tích 571 ha, tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km, bến sà lan khoảng 2 km.

Tổng mức đầu tư Cảng quốc tế Cần Giờ là 129.000 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD). Dự kiến cảng sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động làm việc tại cảng, và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...

Cảng này sẽ bổ sung, hỗ trợ cho các cảng trong khu vực, bao gồm cả Cái Mép - Thị Vải, trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.

Một góc huyện Cần Giờ. (Ảnh: thanhuytphcm.vn).

Ngoài cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hiện thành phố đang và chuẩn bị đầu tư 4 dự án hạ tầng giao thông đường bộ dưới đây nhằm tăng cường kết nối huyện Cần Giờ với các địa phương xung quanh.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là một trong các cao tốc trọng điểm hiện đang được TP HCM đầu tư xây dựng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 58 km, kéo dài từ huyện Bến Lức (Long An) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Tuyến cao tốc này đi qua địa bàn xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, với chiều dài khoảng 6,5 km, tuyến cao tốc này cũng giao cắt với đường Rừng Sác.

Vừa qua, dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành đến ngày 30/9/2025, thay vì hoàn thành trong năm 2023 như quyết định trước đây. Đồng thời, điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án thành 30.073 tỷ đồng, giảm 1.247 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Cầu Bình Khánh

Đây là cây cầu nối huyện nhà bè với huyện Cần Giờ, nằm trên lộ trình tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cụ thể, cầu Bình Khánh thuộc gói thầu J1 cao tốc Bến Lức - Long Thành. Gói thầu này có lý trình bắt đầu từ Km21+739,50 (tiếp giáp Gói thầu A4) đến Km24+503 (tiếp giáp gói thầu J2) với tổng chiều dài khoảng 2,8 km gồm cầu Bình Khánh và cầu cạn, đi qua địa bàn huyện Nhà Bè và Cần Giờ của TP HCM. Bề rộng cầu Bình Khánh khoảng 21,75 m.

Cầu Bình Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành, kết nối huyện Nhà Bè - huyện Cần Giờ. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Cầu Phước Khánh

Cầu Phước Khánh cũng nằm trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn nối huyện Cần Giờ với tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, cây cầu này thuộc gói thầu J3 của cao tốc Bến Lức - Long Thành, có lý trình bắt đầu từ Km29+264 đến Km32+450 với tổng chiều dài khoảng 3,2 km gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ (TP HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Chiều rộng cầu là 21,75 m.

Khi được hoàn thành thi công xây dựng, hai cầu Bình Khánh và Phước Khánh sẽ là hai cây cầu có độ cao tĩnh không cao nhất Việt Nam.

Công trình xây dựng cầu Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành. (Ảnh: Báo Giao thông).

Cầu Cần Giờ

Bên cạnh hai cây cầu trên, hồi cuối tháng 12/2022, Sở GTVT TP HCM cũng đã phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí chuẩn bị làm cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Cây cầu này có thiết kế dây văng một trụ tháp, phác họa hình tượng cây đước (đặc trưng của huyện Cần Giờ), sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.

Theo phương án thiết kế, cầu có chiều dài 3,4 km, dự kiến phân từ 4 - 6 làn xe, tĩnh không thông thuyền 55 m. Cầu sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm TP HCM và khu vực lân cận.

Cầu Cần Giờ dự kiến được đầu tư với gần 10.000 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư bỏ chi phí xây lắp, ngân sách TP HCM chi gần 4.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Công trình dự kiến thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư vào giai đoạn 2022 - 2023, dự kiến khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028.

Phối cảnh xây dựng cầu Cần Giờ. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Ngày 8/8 vừa qua, UBND TP HCM đã bàn hành Kế hoạch triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025). Trong đó, thành phố đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ vào dịp 30/4/2025.

Bên cạnh các dự án trên, từ nay đến năm 2030, TP HCM sẽ nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Sau năm 2030, thành phố làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng Cần Giờ với đường Rừng Sác. Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.

Hải Quân