Được xác định trở thành Cảng trung chuyển quốc tế, thị trường bất động sản Cần Giờ hiện ra sao?
Phát triển Cần Giờ là "thành phố trong rừng, rừng trong thành phố"
Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP HCM, Báo Chính phủ đưa tin.
Cần giờ nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Liên quan tới dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng yêu cầu Thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, làm việc với các nhà đầu tư để thúc đẩy triển khai.
Theo Thủ tướng, cảng Cần Giờ có khả năng thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng quốc tế, không cạnh tranh với Cái Mép -Thị Vải mà bổ sung, phối hợp để phát huy tốt nhất các thế mạnh.
Thủ tướng tin rằng Cần Giờ có nhiều tiềm năng thành một đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TPHCM và cả vùng Đông Nam Bộ. Cần chú trọng phát triển hạ tầng trước, phát triển thuận thiên, thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.
5,5 tỷ USD xây Cảng quốc tế Cần Giờ
Theo đề án, khi cảng Cần Giờ đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, cảng cũng sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.
Dự kiến, kinh phí thực hiện dự án là gần 5,5 tỷ USD (129.000 tỷ đồng). Tổng công suất hàng hóa thông qua dự kiến đạt 4,8 triệu Teu vào năm 2030 và tăng trưởng dần đạt tới 16,9 triệu Teu (mỗi Teu tương đương container loại 20 feet) khi dự án hoạt động hết công suất dự kiến năm 2047. Đơn vị tư vấn là CTCP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast).
Sau năm 2030, TP HCM sẽ làm đường kết nối từ vị trí xây dựng cảng với đường Rừng Sác. Đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, từ nút giao đường Rừng Sác và cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa sẽ được xây dựng.
Ngoài ra, TP HCM cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng tuyến metro dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Giá đất Cần Giờ hiện ra sao?
Từ những năm 2021, bất động sản Cần Giờ đã bắt đầu có dấu hiệu dậy sóng. Báo cáo của DKRA cho biết, thời điểm đầu năm 2021, thông tin quy hoạch dự án của Vingroup đã khiến giá bất động sản khu vực này tăng trưởng.
Cụ thể, đất thổ cư một số trục đường lớn ở thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa có giá trung bình 17 - 55 triệu đồng/m2, tăng 10 - 20% so với đầu năm 2020. Đây là mức biến động mạnh nhất trong số 5 huyện ngoại thành của TP HCM.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, Cần Giờ có lợi thế là nơi có biển gần nhất từ TP HCM. Mặc dù vậy, đây là biển nước lợ nên khó để bơi hay tắm. Trong tương lai, cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển về nội thành TP HCM. Cao tốc Bến Lức - Long thành chuẩn bị khai thác chạy qua Cần Giờ cũng có thể làm tăng giá BĐS khu vực này.
Nói thêm về Cần Giờ, Mogi cho rằng đây là một huyện ngoại thành TP HCM và có tiềm năng về du lịch khá lớn khi đây là huyện duy nhất giáp biển. Địa phương này cũng sở hữu những lợi thế riêng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm và mua đi bán lại, góp phần tăng giá trị giá nhà đất.
Cụ thể, quỹ đất tại Cần Giờ hiện nay còn khá nhiều. Khi mà TP HCM thực hiện chính sách giãn dân vùng đô thị thì khả năng xuất hiện xu hướng tìm kiếm nhà đất ở Cần Giờ nói riêng và ngoại thành nói chung để ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, đề án xây dựng cầu thay cho phà Bình Khánh đã giúp đẩy giá đất ở Cần Giờ tăng lên. Trong tương lai, khi dự án này hoàn thành thì việc di chuyển từ Cần Giờ vào TP HCM không còn quá khó khăn.
Mặt khác, tuyến vận tải hành khách đường thủy TP HCM – Cần Giờ - Vũng Tàu cũng đang được đề xuất triển khai. Dự án này sẽ giúp kết nối TP HCM với Vũng Tàu một cách nhanh chóng, giúp thúc đẩy du lịch Cần Giờ.
Báo cáo của Mogi cho thấy, tính đến tháng 7/2023, giá nhà đất Cần Giờ đang ở mức khá rẻ, thích hợp để đầu tư. Cụ thể, giá nhà tại Cần Giờ có mức trung bình là 29,9 triệu/m2 đối với nhà mặt tiền và 18,3 triệu/m2 đối với nhà trong hẻm. Giá đất trung bình 18,2 triệu đồng/m2. Các khu vực được tìm kiếm nhiều tập trung tại khu vực Rừng Sác, Lương Văn Nho.
Trên đường Lương Văn Nho, giá đất trung bình dao động 38,3 triệu đồng/m2; một số khu vực ở thị trấn Bình Thạnh như Giồng Ao, Tắc Xuất dao động 17,4 - 19,3 triệu/m2; khu vực Đê Ec, Rừng Sác, Trần Quang Đạo, Trần Quang Quờn (xã Bình Khánh) giá đất 11 - 15 triệu/m2...