4 cách đối phó tức thời khi mắc kẹt với công việc nhàm chán?
Kéo mình đến văn phòng mỗi ngày, thực hiện cùng một nhiệm vụ theo cùng một cách với cùng một nhóm người nhiều tháng có thể khiến bạn cảm thấy như nhân vật do Bill Murray thủ vai trong bộ phim Groundhog Day: sau một thời gian, bạn biết chính xác điều gì sẽ xảy ra và ai sẽ nói những gì ngay cả khi điều đó chưa xảy ra.
Trang web nghề nghiệp Comparably đã khảo sát gần 21.000 nhân viên Mỹ trong 12 tháng qua để xác định vấn đề làm họ căng thẳng nhất trong công việc. Một số câu trả lời khá phổ biến bao gồm quãng đường tới văn phòng quá xa, đi làm nhiều giờ, đồng nghiệp khó tính và quản lí tồi.
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất gây ra căng thẳng là một điều bạn có thể không ngờ tới: 51% nam giới và 35% nữ giới cho biết họ lo lắng nhất về việc "trở nên trì trệ" trong công việc.
Ngay cả những người ngồi trong văn phòng riêng lớn nhất công ty cũng không ngoại lệ. Gần hai phần ba các giám đốc điều hành cấp cao tin rằng họ đang đi trên một lối mòn và báo cáo chi tiết ghi lại: "Khi bạn đạt đến một đỉnh cao nhất định, tiến bộ hơn nữa ngày càng trở nên khó khăn".
Trong thị trường việc làm hiện nay, với những cơ hội dày đặc, bạn sẽ tự hỏi bản thân hàng trăm lần tại sao bạn không kiếm một công việc khác và bắt đầu làm việc ở một nơi khác?
"Tìm kiếm một công việc mới cần rất nhiều năng lượng", Jason Nazar, CEO và đồng sáng lập website Comparably nói.
"Rất nhiều người đang cảm thấy kiệt sức khi nghĩ tới việc phải bắt đầu lại từ đầu. Có lẽ bạn đang làm công việc không phù hợp hoặc không có được tinh thần tốt nhất cho công việc hiện tại và cảm thấy bế tắc cũng không khiến nhà quản lí của bạn ưu ái hơn", anh nói thêm.
Vậy bạn có thể làm gì để giải quyết sự nhàm chán của bản thân khi chưa thể có được công việc mới? Nazar đã gợi ý 4 bước dưới đây để lấy lại năng lượng và nhiệt tình trong công việc:
Một công việc nhàm chán hay sự nhàm chán từ chính bạn đối với công việc đều là vấn đề cần giải quyết. Ảnh: Fortune
1. Trao đổi với nhà quản lí
Một phần trách nhiệm của bất cứ người quản lí nào là phát triển tài năng của nhân viên nên đừng ngại trao đổi về tương lai của bạn với người mà bạn phải báo cáo hàng ngày hay đặc biệt hơn, CEO.
"Bạn có thể yêu cầu các cơ hội khác ngoài phạm vi công việc bình thường", Nazar gợi ý. "Hợp tác với sếp để lên kế hoạch cho những gì bạn sẽ làm là ý tưởng tốt. Hầu hết các nahf quản lí hiện nay sẽ chấp nhận ý tưởng tìm cho nhân viên thử thách mới nếu phù hợp với mục tiêu chung của công ty".
Theo Nazar quan sát, xu hướng bắt đầu cuộc trò chuyện như vậy có thể phụ thuộc một phần vào tuổi tác. "Thật đáng sợ khi thừa nhận bạn cảm thấy bồn chồn vào chặng giữa của sự nghiệp, đặc biệt khi bạn muốn thách thức bản thân nhưng đã không còn tính hiếu thắng và ham học hỏi của tuổi trẻ", ông nói.
2. Xây dựng mối quan hệ đúng đắn trong công việc
Mối quan hệ đúng đắn ở đây không phải là tính chất lợi dụng lẫn nhau vốn khiến nhiều người ác cảm khi nghĩ về "đồng nghiệp". Ông chỉ ra rằng những người không hài lòng với công việc có xu hướng bị hút về phía các đồng nghiệp tương tự và điều này chỉ củng cố cảm giác buồn chán và trì trệ.
"Thái độ là thứ rất dễ lây lan", Nazar nói. "Vì vậy, hãy cố gắng kết nối và giao tiếp nhiều hơn với những đồng nghiệp trong công việc, những người lạc quan và tích cực. Ngoài lợi ích giúp bạn vui vẻ hơn, nó sẽ thay đổi toàn bộ cách nhìn về công việc hàng ngày của bạn".
3. Đầu tư một giờ mỗi ngày để học một kĩ năng mới
Con người ngày càng sống lâu hơn với ít lương hưu và phúc lợi xã hội hơn nên thời gian làm việc cũng ngày càng dài hơn. "Trừ khi bạn đã chuẩn bị rất đầy đủ trước khi nghỉ hưu, bạn còn một chặng đường sự nghiệp rất dài cần hoàn thiện", Nazar lưu ý.
Và khi công nghệ đang tiến bộ với tốc độ ánh sáng, điều cuối cùng bạn muốn thấy là bị bỏ lại phía sau. "Nhu cầu học tập suốt đời là thiết yếu", Nazar nói. "Trau dồi kĩ năng hiện tại của bạn bởi bạn không thể không làm vậy".
Học một ngôn ngữ mới hay kĩ năng mới liên quan đến các mục tiêu công việc do bạn và sếp cùng đặt ra là liều thuốc chống lại sự lỗi thời và nhàm chán của bản thân.
4. Biết khi nào nên dừng lại
Giả sử bạn đã làm tất cả những điều trên và vẫn bị mắc kẹt, "hãy nhìn nhận một cách trung thực về việc liệu người quản lí của bạn có sẵn sàng cho bạn những cơ hội mới thú vị và đưa bạn tiến về phía trước hay không," Nazar chia sẻ.
Ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng đang cố gắng xây dựng văn hóa doanh nghiệp khuyến khích và phát triển tài năng. Khi ý tưởng tìm kiếm công việc mới khiến bạn mệt mỏi, hãy nghĩ đến những nơi làm việc như vậy.
Nazar nói: "Nếu bạn thực sự tin rằng bạn sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì trong công việc hiện tại thì bạn chắc chắn đang ở sai vị trí."
Một lưu ý khác khi bạn quyết định thay đổi công việc là hãy suy nghĩ kĩ về cách bạn sẽ tránh đi vào lối mòn tương tự trong lần tiếp theo. "Điều quan trọng là cần hiểu rất rõ những gì thúc đẩy bạn và thành công bạn mong muốn là gì", Kathleen Pai, phó chủ tịch nhân sự của Ultimate Software chia sẻ.
Vì vậy, trước khi đăng kí một công việc mới có thể hoàn toàn giống với công việc cũ của bạn (hoặc tệ hơn), hãy kiểm tra các trang web tìm việc hoặc hội nhóm trong ngành để tìm hiểu chắc chắn về công ty.