3 đặc khu cần tới 1,57 triệu tỉ đồng
Đồ họa: TẤN ĐẠT.
Trong văn bản gửi các bộ để tổng hợp báo cáo Hội đồng thẩm định trước khi trình Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết các tỉnh đồng loạt đề nghị giữ lại phần thu ngân sách tại đặc khu...
Hàng trăm dự án chờ vốn...
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết đề án về đặc khu Vân Đồn cần vốn đầu tư khoảng 270.000 tỉ đồng giai đoạn 2018 - 2030. Phần vốn trong nước cho phát triển đặc khu này chiếm 50%, vốn nước ngoài chiếm 50%.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội để phát triển 4 vùng động lực đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong giai đoạn 2019 - 2025 theo tính toán của tỉnh Khánh Hòa lên tới 400.000 tỉ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến 2025, sẽ cần nguồn vốn ngân sách lên tới 45.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế sầm uất, ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới hơn 40 tỉ USD, tương đương khoảng 900.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016-2030. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, nước ngoài khoảng 41%.
Trả lời Tuổi Trẻ về đầu tư cho Phú Quốc, bà Lê Thị Minh Phụng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho rằng quan điểm của tỉnh là tiếp tục tập trung nguồn lực để hoàn thiện hơn nữa hạ tầng cho Phú Quốc.
Đến nay, Phú Quốc đã thu hút 377 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 17 tỉ USD. Năm 2017, Phú Quốc thu ngân sách khoảng 3.500 tỉ đồng, xấp xỉ 50% tổng nguồn thu cả tỉnh Kiên Giang, nhưng chủ yếu là nguồn thu từ đất đai.
Sắp tới, Phú Quốc cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, trong đó có hệ thống cấp nước, thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn là cấp bách.
Một góc đảo Phú Quốc - Ảnh: DUY KHÁNH.
Theo đề án thành lập đặc khu Bắc Vân Phong do Sở Nội vụ Khánh Hòa biên tập, từ nay đến năm 2025, dự kiến cần 53.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, sẽ xây dựng 9 tuyến đường trục chính, 5 gói đường nội khu với 49 tuyến, xây dựng khoảng 20km đường sắt từ cảng trung chuyển Vân Phong đến đường sắt Bắc - Nam và 2 nhà ga.
Cũng cần xây dựng thêm hệ thống điện 300km; hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý rác, hệ thống liên lạc...
Ngoài ra, cần 46.500 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như trường học; 3 bệnh viện, sân vận động, cung văn hóa... Đồng thời, khâu giải phóng mặt bằng cũng cần 15.000 tỉ đồng và 80 tỉ đồng làm quy hoạch.
Địa phương cùng xin ưu đãi
Điểm chung của 3 đề án phát triển đặc khu kinh tế là địa phương xin khá nhiều ưu đãi. Với đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề xuất được giữ lại 100% số thu ngân sách nội địa trên địa bàn đặc khu kinh tế Vân Đồn đến 2030.
Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu phát triển đặc khu, tỉnh này xin được giữ lại 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh (khoảng 2.000 tỉ đồng/năm); đồng thời, ngân sách địa phương bổ sung cho đặc khu tối thiểu 1.500 tỉ đồng/năm...
Do số thu nội địa trên địa bàn huyện Vạn Ninh (khu vực phát triển đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong) chỉ khoảng 130 tỉ đồng/năm, nên tỉnh Khánh Hòa đề xuất cơ chế ưu đãi để lại 100% thuế xuất nhập khẩu và toàn bộ số thu nội địa trên địa bàn Bắc Vân Phong để thực hiện chính sách đặc thù...
Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cũ, Khánh Hòa - Ảnh: NHẬT THANH.
Với Phú Quốc, ngoài nhóm chính sách ưu đãi chung, Kiên Giang đề xuất: các dự án khu du lịch sinh thái cao cấp có tổng mức đầu tư trên 300 triệu USD được phép kinh doanh casino quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh casino không khuyến khích phát triển, phải thực hiện theo quy định hiện hành (dự án có vốn đăng ký trên 2 tỉ USD). Ngoài ra, trước các đề xuất giữ lại nguồn thu trên địa bàn, Bộ Tài chính đã lo ngại khó cân đối thu chi.
Vẫn chờ...
Ông Hoàng Đình Phi, trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cho biết đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa với trung ương giữ lại nguồn thu ngân sách là nhằm tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Theo ông Phi, hiện đã có một số nhà đầu tư trong nước đề nghị cam kết tham gia đầu tư vào đặc khu, nhưng UBND tỉnh vẫn chưa đồng ý vì đang chờ Luật đơn vị chuyển đổi kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong ban hành sẽ tiếp nhận các nhà đầu tư chiến lược. Từ năm 2012 đến nay, đặc khu không thu hút đầu tư mới, nên trên khu vực chủ yếu là những dự án cũ nhỏ lẻ.
Về kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa công bố quy hoạch đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, ông Hoàng Đình Phi cho hay UBND tỉnh đang lựa chọn đơn vị tư vấn, chủ yếu từ các nước châu Âu... Dự kiến thời gian công bố quy hoạch đặc khu là năm 2019.
Công trình nhà ga cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đang được gấp rút xây dựng - Ảnh: ĐỨC HIẾU.
Ông Trần Thanh Việt - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang - cho hay hiện tại, đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc cũng đang trong giai đoạn tiếp tục điều chỉnh, bổ sung theo chủ trương của Bộ Chính trị.
Cụ thể, thời hạn cho thuê đất sẽ giảm từ tối đa 99 năm xuống còn 70 năm như luật hiện hành quy định. Bộ máy hành chính sẽ có hội đồng nhân dân làm nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính quyền đặc khu...
Để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế sầm uất, tỉnh Kiên Giang định hướng huyện đảo này sẽ có vùng phát triển đô thị; vùng phát triển du lịch; vùng phát triển phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư; vùng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp; không gian vùng đặc biệt gồm sân bay, cảng biển, khu phi thuế quan.
Sắp đến "giờ G"Dự thảo đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế do các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang xây dựng được Bộ Tài chính thẩm định trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 5-2018. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, khung pháp lý cơ bản để vận hành các đặc khu. |