|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

2020 - năm nhiều biến động về chính sách với tài xế công nghệ

14:54 | 20/08/2020
Chia sẻ
Hàng loạt chính sách mới, một phần từ phía công ty, một phần từ các cơ quan chức năng, đã tạo nên một năm đầy biến động với các tài xế công nghệ.

2020 là một năm khó khăn nói chung với các ứng dụng gọi xe, giao món. Thời điểm tháng 4, giãn cách xã hội khiến nhiều dịch vụ gọi xe buộc phải tạm ngừng hoạt động. 

Khi làn sóng COVID-19 thứ hai xuất hiện, thậm chí có thời điểm Đà Nẵng yêu cầu các nhà hàng ngừng việc kinh doanh online, đồng nghĩa với việc dịch vụ giao đồ ăn tại đây cũng gián đoạn.

Bên cạnh đó, những thay đổi chính sách cũng tác động tới hãng gọi xe. Tiêu biểu nhất phải kể đến việc nghị định 10 với tinh thần "xóa nhòa khoảng cách giữa taxi truyền thống và công nghệ". Tới ngày 1/8, các phương tiện đăng kí kinh doanh cũng phải chuyển sang biển số vàng, với thời hạn cuối cùng là cuối năm 2021.

2020 - năm nhiều biến động về chính sách với tài xế công nghệ - Ảnh 1.

Nghị định 10 xóa nhòa khoảng cách giữa taxi truyền thống và công nghệ. Ảnh: KTĐT.

Đối với các ứng dụng gọi xe, giao món, cân đối dòng tiền là cả một câu chuyện lớn. Và trên thực tế, hầu như chưa công ty nào dám khẳng định họ bắt đầu tạo ra lợi nhuận trên thị trường này.

Chính vì thế, không ngạc nhiên khi nhiều ứng dụng gọi xe bắt đầu có những động thái thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách cho tài xế trong thời gian gần đây.

Tuần trước, tại trụ sở Now tại Hà Nội, rất nhiều tài xế áo đỏ đã tập trung tại văn phòng công ty nhằm phản đối "chính sách mới". Theo nhóm tài xế, chính sách mới buộc đối tác tài xế phải chạy mỗi ngày 29 cuốc trong 30 ngày gần nhất mới có thể đạt danh hiệu "tài xế cấp 5", qua đó đạt mốc thưởng cao nhất.

Nhìn lại chính sách thưởng của Now trước và sau điều chỉnh, một điều dễ thấy nhất chính là việc các tài xế 1 sao đã mất thưởng hoàn toàn. Điều này phần nào khuyến khích các tài xế "cày" cuốc xe để ít nhất lên được cấp 2.

Ngoài ra, cột mốc điểm tích lũy để lên cấp 5 cũng nới rộng, từ 4.400 lên 8.400. Điều này khiến một lượng tài xế cấp 5 sẽ bị "tụt cấp", qua đó giảm thu nhập từ thưởng. Phản hồi lại thông tin này với ICT News, Now cho rằng chính sách mới sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường và sự điều chỉnh này cũng đã nằm trong lộ trình dự kiến.

Trên thực tế, việc tăng tính cạnh tranh là điều dễ hiểu. Các tài xế cấp dưới sẽ không có thưởng hoặc  thưởng rất ít, khuyến khích các tài xế phải chạy nhiều cuốc mỗi ngày hơn, tối thiểu là để vượt qua cấp 1. Tuy nhiên nhìn chung, nếu giữ nguyên hiệu suất chạy cuốc, hầu hết tài xế đều bị giảm thu nhập.

Không lâu sau Now, đến lượt hai hãng gọi xe công nghệ khác là Gojek và Be đều thay đổi chính sách ở một số khu vực chiến lược trong tuần này. Các chính sách mới của hai hãng gọi xe, đều theo xu hướng có thể làm giảm thu nhập của một bộ phận của tài xế.

Để phản hồi lại một nhóm tài xế đến trụ sở công ty đòi "làm việc", Be thậm chí đã gửi đi một thông cáo báo chí, giải thích rõ rằng tiền thưởng là  khoản "chi phí tự nguyện" của doanh nghiệp dành cho đối tác tài xế. Khoản chi phí tự nguyện này hoàn toàn mang tính giai đoạn, được điều chỉnh theo hướng thị trường.

2020 - năm nhiều biến động về chính sách với tài xế công nghệ - Ảnh 2.

Các chính sách thưởng cho tài xế hai bánh giảm xuống. Ảnh: Techbike

Dẫu vậy, việc Gojek điều chỉnh chính sách ở thời điểm này tương đối bất ngờ. Ở thời điểm Gojek Việt Nam chính thức công bố ra mắt đầu tháng này, CEO Phùng Tuấn Đức từng khẳng định công ty sẽ không chạy theo cuộc đua "đốt tiền".

Sau khi ra mắt, Gojek cũng liên tục có những chính sách khuyến mại cho khách hàng. Việc điều chỉnh chính sách của Gojek Việt Nam diễn ra trong bối cảnh một vài chính sách khuyến mại cho khách hàng thậm chí chưa kết thúc.

Thực tế đã chứng minh, việc các hãng gọi xe, giao món thay đổi chính sách cho tài xế là câu chuyện không mới, thậm chí là bắt đầu từ nhiều năm trước. Tuy nhiên cũng như những lần trước đó, việc các tài xế tụ tập tại trụ sở phản đối chính sách là một chuyện, việc các công ty tiếp tục theo đuổi chính sách của mình lại là vấn đề khác.

Nhìn rộng ra các thị trường gọi xe quốc tế, vẫn có những trường hợp các tài xế công nghệ tụ tập phản đối chính sách công ty tại một số quốc gia Nam Mỹ, hay thậm chí ngay tại California, bang đông dân nhất của Mỹ. 

Một điểm chung là trong hầu hết các trường hợp, các công ty vẫn lựa chọn không lắng nghe yêu cầu của một bộ phận tài xế phản đối. Thậm chí ở Mỹ, Uber và Lyft sẵn sàng ngừng kinh doanh ở bang California khi bang này ép các hãng gọi xe công nghệ phải tăng phúc lợi cho đối tác tài xế.

Mây Đỏ