20 thiên đường thuế lớn nhất thế giới: Mỹ giành ngôi á quân
Nếu bạn muốn để tiền vào tài khoản ngân hàng hải ngoại để tiết kiệm thuế, bạn sẽ chú trọng hai yếu tố sau: Bí mật và khả năng tiếp cận. Dựa trên phim ảnh và truyền thông đại chúng, có thể bạn sẽ mường tượng hình ảnh một ngân hàng bí ẩn ở Thụy Sĩ hay một đảo quốc bé nhỏ ở Caribe.
Dù lối suy nghĩ trên không hẳn là sai, sự thật là các thiên đường thuế lớn nhất nằm rải rác trên toàn thế giới. Một số đúng là những quốc gia nhỏ bé, nhưng số khác là các cường quốc kinh tế mà cái tên có thể khiến bạn bất ngờ.
Dưới đây là top 20 thiên đường thuế toàn cầu, được xếp hạng theo Chỉ số Bí mật Tài chính (FSI) 2020 bởi tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Công bằng Thuế.
FSI xếp hạng quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới dựa trên hai tiêu chí: Bí mật và quy mô.
Điểm bí mật: Hệ thống ngân hàng của quốc gia/vùng lãnh thổ có thể che giấu tiền kỹ đến mức nào. Bao gồm phân tích về đăng ký quyền sở hữu, tính minh bạch của pháp nhân, các quy định về thuế và tài chính cũng như hợp tác với các tiêu chuẩn quốc tế.
Trọng số Quy mô Toàn cầu: Thị phần của quốc gia/lãnh thổ trong thị trường dịch vụ tài chính xuyên biên giới của thế giới là bao nhiêu? Số liệu này chủ yếu dựa trên thống kê Cán cân thanh toán quốc tế của IMF.
Bằng cách đánh giá năng lực che giấu tiền của một quốc gia trên tương quan với tỷ trọng dịch vụ tài chính hải ngoại, chúng ta thấy được các thiên đường thuế với tác động lớn nhất lên kinh tế thế giới.
20 thiên đường thuế hàng đầu nằm rải rác khắp các khu vực. Gần một nửa cái tên trong danh sách nằm ở châu Âu, nhưng số còn lại phân tán ở châu Mỹ và châu Á.
Và các thiên đường thuế cũng có nhiều điểm trái ngược nhau. Chúng bao gồm những cường quốc kinh tế như Mỹ, Anh, Nhật Bản và cả những quốc gia và lãnh thổ nhỏ như Quần đảo Cayman, Luxembourg và Hong Kong.
Điểm chung đáng ngạc nhiên của nhiều thiên đường thuế là mối liên kết với nước Anh. Bao gồm cả Anh, 4 trong số 20 thiên đường thuế - Quần đảo Cayman, Quần đảo British Virgin, Guernsey và Jersey – là Lãnh thổ Hải ngoại của Anh hoặc Cơ Lãnh thổ Phụ thuộc của Hoàng gia Anh, Visual Capitalist cho biết.
Một số cái tên trong danh sách trên có thể khiến các công dân của những quốc gia đó thấy khó hiểu, nhưng điều quan trọng ở đây là tính tương đối. Mỹ và Canada có thể không phải là thiên đường thuế với người dân Mỹ và Canada, nhưng giới siêu giàu từ Đông Á và Trung Đông thì tận dụng được lỗ hổng trong luật thuế nước ngoài của hai quốc gia này.
Vụ rò rĩ dữ liệu Hồ sơ Pandora có đề cập tới hơn 200 quỹ tín thác của Mỹ. Các quỹ này có liên kết với cá nhân từ 40 quốc gia. Bang South Dakota là địa điểm phổ biến nhất với 81 quỹ, các bang Florida, Delaware, Texas và Nevada cũng có hàng chục quỹ. Chỉ riêng South Dakota đã được ước tính là đang che giấu hàng tỷ USD của cải, một số có liên hệ với các cá nhân bị cáo buộc phạm tội tài chính.
Theo báo cáo năm 2020, ngành quỹ tín thác nở rộ của South Dakota quản lý gần 367 tỷ USD tài sản. Sự tăng trưởng vượt bậc này được thúc đẩy bởi nỗ lực mạnh mẽ của bang nhằm thu hút tiền bằng cách bảo vệ tài sản của chủ quỹ tín thác khỏi chính phủ nước ngoài hay thậm chí là vợ chồng cũ, tờ Guardian cho biết.
Ngoài ra, nhiều quốc gia trở thành thiên đường thuế cho giới siêu giàu cũng được giới doanh nghiệp tận dụng triệt để.
Đánh giá năm 2021 của Mạng lưới Công bằng Thuế về các thiên đường thuế doanh nghiệp đã liệt kê Quần đảo British Virgin, Quần đảo Cayman và Bermuda là ba thiên đường thuế doanh nghiệp hàng đầu.
Các cá nhân có thể thành lập công ty vỏ bọc trong thiên đường thuế để che giấu của cải. Còn tập đoàn thường đăng ký trụ sở tại thiên đường thuế để hoãn thuế.