|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai năm 'ác mộng' chuẩn bị ập đến với các hãng sản xuất chip toàn cầu

14:48 | 24/03/2022
Chia sẻ
Ngành sản xuất chip đang đối mặt với một loạt khó khăn trong hai năm tới, khiến kế hoạch mở rộng của các công ty có thể bị trì trệ.

Theo một trong những nhà cung cấp quan trọng nhất của ngành chip, kế hoạch mở rộng trị giá hàng tỷ USD của các nhà sản xuất trên toàn cầu sẽ bị hạn chế bởi tình trạng thiếu thiết bị quan trọng trong hai năm tới, khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh sản xuất, tờ Financial Times đưa tin.

Cảnh báo trên được đưa ra bởi Peter Wennink, giám đốc điều hành của ASML, công ty thống trị thị trường toàn cầu về máy in thạch bản được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

"Nguồn cung trong những năm tới sẽ thiếu hụt. Năm nay, chúng tôi sẽ xuất xưởng nhiều máy hơn năm ngoái. Dự kiến, năm sau chúng tôi sẽ tiếp tục xuất xưởng nhiều máy hơn năm nay. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Chúng tôi thực sự cần cải thiện năng lực sản xuất ít nhất 50% để có thể bắt kịp nhu cầu, và điều này tất nhiên tốn rất nhiều thời gian", ông Peter Wennink cho biết.

2 năm 'ác mộng' chuẩn bị ập đến với các hãng sản xuất chip toàn cầu - Ảnh 1.

Kế hoạch mở rộng của gã khổng lồ ASML có thẻ sẽ bị trì trệ. (Ảnh: Your Tech Story).

Thiết bị của ASML được sử dụng để khắc các mạch chip vào các tấm silicon. Richard Windsor, nhà phân tích công nghệ tại Radio Free Mobile nhận xét về ASML: "Đây là công ty quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Họ có máy in chip silicon",

CEO Wennink cho biết ASML đang cùng các nhà cung cấp tìm ra giải pháp tăng năng suất. Ông cho biết vẫn chưa rõ quy mô đầu tư cần thiết. ASML hiện có 700 nhà cung cấp liên quan đến sản phẩm, trong đó có 200 nhà cung cấp đặc biệt quan trọng.

Nhận xét của ông được đưa ra khi ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu tăng tốc đầu tư vào sản xuất mới để đáp ứng sự thiếu hụt chip toàn cầu cũng như nhu cầu sử dụng tăng cao. Các nhà phân tích kỳ vọng giá trị thị trường sẽ tăng gấp đôi, lên mức 1 tỷ USD vào năm 2030.

Tuần trước, gã khổng lồ Intel cho biết họ sẽ đầu tư khoảng 33 tỷ euro vào lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu ở châu Âu, qua đó nâng tổng mức đầu tư lên 80 tỷ euro vào cuối thập kỷ này, tùy thuộc vào nhu cầu. Intel cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 40 tỷ USD để mở rộng sản xuất chip tại Mỹ.

Nhà sản xuất chip của Mỹ đang chạy đua để bắt kịp các công ty hàng đầu trong ngành, như TSMC của Đài Loan, những người có kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ USD trong ba năm tới.

Ông lớn Hàn Quốc Samsung cho biết sẽ đầu tư 150 tỷ USD cho đến cuối thập kỷ này để mở rộng sản xuất. Theo thông tin từ chính phủ Hàn Quốc, khoảng 150 doanh nghiệp của quốc gia này sẽ đầu tư tổng cộng hơn 420 tỷ USD tính đến năm 2030 cho riêng ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn.

Mỹ và châu Âu cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ hàng chục tỷ USD cho sản xuất chip, nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào các nhà sản xuất châu Á.

CEO Intel Pat Gelsinger thừa nhận rằng sự thiếu hụt thiết bị đặt ra một thách thức cho kế hoạch mở rộng của các công ty. Ông cho biết đã liên hệ trực tiếp với Wennink về tình trạng thiếu hụt và Intel đã cử các chuyên gia sản xuất đến công ty để giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất.

Chia sẻ trên Financial Times, ông Gelsinger cho biết vẫn còn thời gian để giải quyết các vấn đề. "Sẽ mất 2 năm để chúng tôi xây dựng nhà máy đó. Sau đó, cần thêm 3 – 4 năm nữa để trang bị máy móc", CEO Intel chia sẻ.

Ông Wennink đồng ý rằng vẫn còn thời gian để mở rộng năng lực cho chuỗi cung ứng, vì nhiều cơ sở sản xuất mới sẽ không đi vào hoạt động trước năm 2024. Tuy nhiên, điều này sẽ không đơn giản. Ví dụ: Thành phần phức tạp nhất trong các thiết bị của ASML là thấu kính do nhà sản xuất Carl Zeiss của Đức chế tạo.

"Họ cần tạo ra nhiều ống kính hơn. Tuy nhiên, , công ty trước hết phải xây dựng các phòng sạch, xin giấy phép và xây nhà máy mới. Khi xây xong, họ cần mua thiết bị sản xuất và thuê nhân công. Có thể mất hơn 12 tháng để có thể tạo ra ống kính", ông Wennink cho biết.

Quốc Anh