2 chọn lựa quyết định tương lai kinh tế Trung Quốc
Đó là cảnh báo của ông Bùi Mẫn Hân, giáo sư quản lý công ở ĐH Claremont McKenna (Mỹ) và nhà nghiên cứu cao cấp ở Quỹ German Marshall của Mỹ. Theo GS Bùi Mẫn Hân, việc Trung Quốc (TQ) không nắm lấy cơ hội để tiến hành những cải cách nên làm trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có thể khiến nước này phải trả giá đắt - lâm vào giai đoạn suy thoái tệ hại. “Việc TQ ra sức kiểm soát nền kinh tế cuối cùng bị phản tác dụng” - báo South China Morning Post hôm 2-4 dẫn lời ông Bùi Mẫn Hân khẳng định.
Lạc quan trong ngắn hạn
Sau vòng đàm phán mới nhất tại Bắc Kinh hồi tuần trước, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu nhượng bộ thương mại với Washington. Theo đó, TQ tuyên bố tiếp tục hoãn áp thuế nhập khẩu lên ô tô và phụ tùng ô tô của Mỹ từ ngày 1-4, cũng như đưa thuốc giảm đau Fentanyl vào danh mục các chất được kiểm soát.
Giới quan sát cho rằng động thái này của TQ là để đáp lại việc Mỹ trì hoãn mức tăng thuế theo lịch trình từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu TQ vào đầu tháng 3. Đồng thời góp phần tạo ra không khí tích cực cho vòng đàm phán thương mại kế tiếp sẽ diễn ra trong tuần này. Các chuyên gia cũng đánh giá cao phản ứng của Bắc Kinh, bởi lẽ các nhượng bộ lần này của TQ là lời đáp nhanh chóng cho những quan ngại từ phía Mỹ.
Hôm 3-4 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đoàn đàm phán TQ đến Washington để tiếp tục vòng đàm phán với các quan chức Mỹ. Cho đến nay hai bên đã gặp nhau chín lần và các nhà phân tích tỏ ra lạc quan rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sắp đạt đến một thỏa thuận. Căng thẳng đã giảm phần nào, từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Argentina cuối năm 2018.
Hãng tin AP dẫn lời ông Myron Brilliant, quan chức Phòng Thương mại Mỹ, cho biết ước tính hai bên đã đạt được 90% quá trình đàm phán để đi đến thỏa thuận. Dù vậy vị này cũng lưu ý “10% còn lại là phần khó nhất, rắc rối nhất”. Trong khi đó, chuyên gia Christopher Adams, cựu chuyên viên về TQ thuộc Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, cũng tỏ ra không quá lạc quan về tương lai quan hệ Mỹ-Trung. “Dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có đạt thỏa thuận chăng nữa thì vẫn có nhiều vấn đề còn ẩn phía sau sẽ không được giải quyết. Bởi nhiều vấn đề có nguồn gốc từ sự khác biệt rõ rệt giữa hai hệ thống (thương mại) của Mỹ và TQ” - ông Adams nói.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc (giữa) và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: AP
Thay đổi hoặc sẽ suy thoái chưa từng có
Các mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, nếu Bắc Kinh không quyết tâm thực hiện các cơ chế cải cách phù hợp thì hệ quả nền kinh tế TQ có thể suy yếu trầm trọng. “Cho đến nay TQ đã không nắm lấy cơ hội để làm những gì cần phải làm” - GS Bùi Mẫn Hân, tác giả cuốn sách Chủ nghĩa tư bản thân hữu ở TQ: Một thể chế đang khủng hoảng, cho biết.
Cũng theo ông Hân, TQ sẵn sàng nhượng bộ bằng cách mua thêm hàng hóa và cải thiện vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng điều đó không cải thiện cơ cấu nền kinh tế của TQ. “Theo quy luật tự nhiên, nền kinh tế sẽ trải qua một chu kỳ tăng trưởng và suy thoái. TQ đã cố gắng né tránh chu kỳ này nên đã tạo nên sự méo mó nền kinh tế. Không bao giờ có “bữa trưa” miễn phí và đến một lúc nào đó (TQ) sẽ phải trả giá” - ông Hân nói.
Chuyên gia kinh tế này phân tích thêm lịch sử cho thấy suy thoái kinh tế sẽ xảy ra. Nếu cố gắng đẩy lùi nó càng lâu, tổn thất sẽ càng lớn. Vì thế cho nên đợt suy thoái tiếp theo sẽ tồi tệ nhất trong lịch sử TQ thời kỳ gần đây. Ông Hân cũng tin rằng TQ không thể từ bỏ kiểm soát nền kinh tế hay giới hạn khu vực nhà nước một cách đáng kể vì quốc gia này không sẵn sàng thay đổi một số yếu tố về chính trị.
Ví dụ, nếu TQ nới lỏng sự kiểm soát đối với nền kinh tế, chính phủ nước này sẽ thuê ít người hơn, đồng nghĩa với việc hàng triệu người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ mất việc. Vì lẽ đó, cho đến nay không có dấu hiệu cho thấy TQ mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài để giải quyết mâu thuẫn thương mại với Mỹ.
Theo ông Hân, TQ đã nắm bắt cơ hội mở cửa đất nước để tăng trưởng kinh tế vào cuối những năm 1990. Khi tăng trưởng kinh tế của TQ chậm lại đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Bắc Kinh đã đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến thương mại với Mỹ kỳ này, TQ gặp nhiều khó khăn hơn. Vào cuối những năm 1990, TQ có cấu trúc dân số trẻ hơn, chi phí lao động thấp hơn và mức nợ cũng ít hơn đáng kể. Ngoài ra, quan hệ đối nghịch với Mỹ không đáng kể. Trong bối cảnh khó khăn trong lẫn ngoài áp sát nền kinh tế, bài toán trở thành nan giải với Bắc Kinh.
TQ và Mỹ có thể sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc, dự kiến diễn ra tại Washington trong tuần này. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ chỉ cung cấp một biện pháp ngắn hạn cho quan hệ song phương chứ không phải là một giải pháp lâu dài cho sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. TQ sẽ phải lựa chọn giữa hai con đường: Từ bỏ bớt quyền kiểm soát của chính phủ để nền kinh tế giàu có hơn; hoặc cố giữ sự kiểm soát nhưng tiếp tục suy thoái.
Nếu vòng đàm phán giữa Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin với Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc vào ngày 4-4 có kết quả lạc quan, nhiều khả năng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập để ký kết thỏa thuận sẽ sớm diễn ra. (Theo tạp chí Financial Times)