18 tỉnh thành và bộ ngành trả lại hơn 9.000 tỉ đồng vốn ODA
Trong báo cáo kết quả các về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (vốn ODA) 8 tháng đầu năm 2020 của Bộ Tài chính, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 60.000 tỉ đồng, số được phân bổ cho các Bộ, ngành địa phương để nhập vào hệ thống TABMIS là 18.216 tỉ đồng, cho các địa phương là 38.484 tỉ đồng.
Tỉ lệ giải ngân vốn ODA của các Bộ, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 8/2020, tỉ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 87,74%, trong đó, đã có 8/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài trên TABMIS; 3/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhập 50,3% dự toán (do dự kiến hủy khoảng gần 50% dự toán).
Tỉ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn cấp phát được giao cho các địa phương đạt 90,4%, trong đó 53/62 địa phương đã phân bổ trên 70% dự toán vốn ODA, chỉ còn Lai Châu là đang phân bổ dưới 50% dự toán.
Theo báo cáo của các địa phương, Bộ Tài chính ghi nhận, đối với các bộ ngành, đã có 9/12 Bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn với số vốn đề nghị trả lại là 4.587 tỉ đồng.
Đối với các địa phương: 9/62 địa phương đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số 4.480,2 tỉ đồng. Trong đó số vốn trả lại của Hà Nội chiếm 33% tổng số vốn của 8 địa phương còn lại.
Sau hai tháng có chỉ đạo quyết liệt từ các cấp, tỉ lệ giải ngân vốn ODA của các Bộ, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, các Bộ, ngành đạt tỉ lệ 21,28% dự toán được giao, các địa phương đạt tỉ lệ 22% dự toán vốn cấp phát được giao.
Trong 8 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các dự án sử dụng vốn ODA gặp nhiều khó khăn, vay ưu đãi cũng theo đó gặp nhiều trở ngại.
Nhìn chung, tỉ lệ giải ngân vốn ODA theo kế hoạch vốn 2020 tương đối cao hơn so với cùng kì 2019.
Mặc dù vậy, nếu so với kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong nước (45% theo kế hoạch qua 8 tháng đầu năm) thì tỉ lệ giải ngân vốn ODA vẫn còn thấp.
Bộ Tài chính nhận định, với tốc độ giải ngân như hiện nay, nếu các Bộ, ngành và địa phương không có giải pháp thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của Chính phủ giao với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020.
Đề xuất cắt giảm chuyển giao kế hoạch vốn nếu không có khả năng hoàn thành
Bộ Tài chính đã có kiến nghị lên Thủ tướng, với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao ngay trong tháng 8.
Với các thủ tục về đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính đề xuất các Bộ, ngành địa phương có trách nhiệm giải quyết các thủ tục, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến "không phản đối" của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành.