|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

17 cổ đông nắm giữ hơn 64% vốn của VPBank

06:30 | 24/07/2024
Chia sẻ
Ông Ngô Chí Dũng cùng nhóm cổ đông có liên quan đã nâng tỷ lệ sở hữu tại VPBank từ hơn 14% cuối năm 2023 lên gần 34% ở thời điểm ngày 19/7.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó, tính đến ngày 19/7, có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ của VPBank. 

Định nghĩa Người có liên quan căn cứ theo Khoản 24, Điều 4, Luật Các TCTD 2024. (Ảnh: VPBank).

Trong đó, danh sách cổ đông cá nhân bao gồm nhóm liên quan tới ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank, nắm 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,141% vốn) là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng, nắm 326,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,118% vốn), bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng, nắm 325,9 triệu cổ phiếu, tương được 4,107% vốn).

Tổng cộng ông Dũng và người liên quan sở hữu 33,648% vốn của VPBank. Tỷ lệ này trước đó vào cuối năm 2023 chỉ là hơn 14%, theo số liệu từ báo cáo quản trị của ngân hàng.

Theo lý giải từ ngân hàng, tỷ lệ này thay đổi do quy định mới trong Luật các TCTD 2024, người có liên quan của cá nhân theo được mở rộng hơn bao gồm: “Cá nhân với vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em); ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột”

Nhóm liên quan tới ông Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch, nắm 156,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,97% vốn điều lệ) bao gồm bà Kim Ngọc Cẩm Ly (vợ ông Quân, nắm 286,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,61% vốn). Tổng cộng hai người sở hữu 5,59% vốn của VPBank.

Nhóm cổ đông liên quan tới ông Lô Bằng Giang (Phó Chủ tịch) gồm có bà Lý Thị Thu Hà (mẹ ông Giang, nắm 282,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,61% vốn) và bà Nguyễn Thu Thủy (vợ ông Giang, nắm 203,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,56% vốn). Ông Giang nắm chưa tới 1% và không xuất hiện trong danh sách.

Ngoài ra, trong danh sách này còn có cái tên quen thuộc là ông Nguyễn Đức Vinh (Tổng Giám đốc, nắm 104,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,32% vốn điều lệ). Tổng số cổ phiếu mà ông Vinh và người liên quan nắm tương ứng 2,88% vốn của VPBank.

Những cái tên không xuất hiện trong HĐQT, Ban Điều hành hay Ban Kiểm soát của VPBank bao gồm ông Trần Ngọc Trung (nắm 305,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,85% vốn), bà Trần Ngọc Lan (năm 309,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,9% vốn), ông Lê Việt Anh (nắm 280 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,53% vốn), bà Lê Minh Anh (nắm 214,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,71% vốn) và ông Nguyễn Mạnh Cường (nắm 111,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,45% vốn). 

Tổng cộng, các cổ đông cá nhân sở hữu 3,24 tỷ cổ phiếu, hay 40,8% vốn điều lệ của VPBank. 

Dẫn đầu về sở hữu của nhóm cổ đông tổ chức là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông chiến lược của VPBank, nắm gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, CTCP DIERA (có liên quan tới Chủ tịch VPBank) đang nắm 348,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,39% vốn điều lệ. 

Ngoài ra, hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt nắm 216,6 triệu cổ phiếu và 101 triệu cổ phiếu VPBank, tương ứng 2,73% và 1,28% vốn ngân hàng này.

Theo quy định tại Điều 63 Luật Các TCTD 2024, cổ đông cá nhân không nắm quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng; cổ đông tổ chức không nắm quá 10% vốn; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn. Cổ đông và người liên sở hữu vượt trần sẽ không thể tăng tỷ lệ sở hữu cho tới khi tuần thủ quy định.

Điều 63. Tỷ lệ sở hữu cổ phần

1. Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

2. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

3. Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.

4. Quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Sở hữu cổ phần tại công ty con, công ty liên kết là tổ chức tín dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 111 của Luật này;

b) Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa;

c) Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 7 Điều này.

5. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần sở hữu gián tiếp. Tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm cả cổ phần do cổ đông ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần và không bao gồm sở hữu cổ phần của người có liên quan là công ty con của cổ đông đó theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 4 của Luật này.

6. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

7. Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư đó tại một tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện, thủ tục nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam; điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

(Trích Luật các TCTD năm 2024)

Định nghĩa người có liên quan, Điều 4 Khoản 24:

Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, cá nhân khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Công ty mẹ với công ty con và ngược lại; công ty mẹ với công ty con của công ty con và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; các công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ hoặc của cùng một tổ chức tín dụng với nhau; người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty mẹ hoặc của tổ chức tín dụng, cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người này với công ty con và ngược lại;

b) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó hoặc với công ty, tổ chức có thẩm quyền bổ nhiệm những người đó và ngược lại;

c) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên tại công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

d) Cá nhân với vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh vợ, chị vợ, em vợ, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha (sau đây gọi là vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em); ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và cháu ruột;

đ) Công ty hoặc tổ chức tín dụng với cá nhân có mối quan hệ theo quy định tại điểm d khoản này với người quản lý, kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 05% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của công ty hoặc tổ chức tín dụng đó và ngược lại;

e) Cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này với tổ chức, cá nhân ủy quyền; các cá nhân được ủy quyền đại diện phần vốn góp của cùng một tổ chức với nhau;

g) Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát;

h) Đối với quỹ tín dụng nhân dân, người có liên quan với khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân bao gồm trường hợp quy định tại các điểm b, c, đ và g khoản này; khách hàng với vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của khách hàng đó.

(Trích Luật các TCTD năm 2024)


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

[LIVE] Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’
Những thông tin cập nhật bối cảnh thị trường, dự báo xu hướng dòng tiền vào bất động sản... sẽ được đưa ra thảo luận tại Talkshow ‘Xu hướng đầu tư bất động sản 2025: Cơ hội nào trong chu kỳ mới?’ phát sóng vào 14h30 ngày 30/10.