|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lộ diện thêm hai cổ đông sở hữu hơn 1% vốn điều lệ của MB

15:20 | 17/07/2024
Chia sẻ
Ngoài những cổ đông đã biết, MB còn có hai cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ là Bảo hiểm Prudential và Pyn Elite Fund.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) vừa công bố thông tin về hai cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo Khoản 5 Điều 49 Luật các TCTD năm 2024. MB là ngân hàng đầu tiên công bố thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% vốn. 

Cụ thể, tính đến ngày 15/7/2024, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 65,7 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 1,24% vốn điều lệ. Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu thêm 1,5 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 0,02% vốn. 

Cũng với mốc thời gian tương tự, Pyn Elite Fund (NON-UCITS) nắm giữ 86,3 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với 1,63% vốn. Người liên quan của quỹ này không sở hữu bất cứ cổ phiếu MBB nào. 

Thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% vốn của MB. (Ảnh: MBB).

Trước đó, theo thông tin trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông của MB, ngân hàng còn có 4 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 44,345% vốn điều lệ (sau phát hành ESOP), bao gồm: Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn; Tổng Công ty trực thăng Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông quân đội (Viettel) và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). 

Trong đó, Tân Cảng Sài Gòn nắm 376 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 7,1% vốn điều lệ. Trực thăng Việt Nam nắm 447 triệu cổ phiếu, tương đương 8,43% vốn. Viettel nắm tổng cộng 1 tỷ cổ phiếu, bằng 19% vốn thông qua hai công ty con. Ngoài ra, SCIC nắm 9,8% vốn MB, tương ứng 532 triệu cổ phiếu. 

Khoản 5 Điều 49 Luật các TCTD năm 2024 quy định: "Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và thông tin quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều này trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp".

Nhận xét về yêu cầu này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng đây là tín hiệu tốt, có thể tạo thêm sự minh bạch nếu ngân hàng và cổ đông nghiêm túc thực hiện. 

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng giới hạn về mặt con số chưa chắc đã giải quyết gốc rễ vấn đề: "Trước kia giới hạn là 5% thì phải công bố nhưng có ai chọn 5% đâu mà đều để 4,99%. Người nắm 4,99% trên thực liệu có nắm 20 - 30% cổ phần ngân hàng không mới là quan trọng".

Minh Quang