|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

16.000 lượt kiểm tra, QLTT phát hiện nhiều cửa hàng tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu

20:26 | 22/02/2022
Chia sẻ
Qua 16.000 lượt kiểm tra với hệ thống bán lẻ xăng dầu trên cả nước, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện nhiều cửa hàng tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), từ ngày 28/1 đến ngày 21/2, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước.

Kết quả cho thấy các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chủ yếu tại khu vực miền Nam, còn lại việc cung ứng xăng dầu ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung diễn ra bình thường, ít ghi nhận tình trạng găm hàng.

Cụ thể, trên địa bàn các tỉnh miền Nam hiện có 6.534 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó hiện có 29 cửa hàng ngưng hoạt động do hết xăng, 215 cửa hàng ngưng hoạt động với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Còn ở TP HCM, tổng số 548 cửa hàng xăng dầu có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng thiếu xăng RON95, nhưng cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.

16.000 lượt kiểm tra, QLTT phát hiện nhiều cửa hàng tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu - Ảnh 1.

Đội quản lý thị trường kiểm tra một cau xăng ở Gia Lai. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)

Còn tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường cũng kiểm tra 493 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố và chưa phát hiện vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, có 3 cửa hàng đang ngừng bán xăng dầu với các lý do như cơ sở bán lẻ đang trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu và cửa hàng có nhân viên mắc COVID-19, đã có văn bản báo cáo Sở Công Thương Hà Nội.

Ở các tỉnh khác cũng ghi nhận các cửa hàng ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Cụ thể là Hà Tĩnh (2), Hậu Giang (2), Quảng Bình (1), Thái Nguyên (1), Sóc Trăng (1)… Các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm đều bị xử phạt hành chính, tùy theo mức độ và các hành vi vi phạm khác có thể kèm theo kiến nghị rút giấy phép kinh doanh.

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết nguyên nhân chủ yếu của việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh bao gồm: không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán; nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ.

Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng; ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 – chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh; tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng.

Hoàng Anh