|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

15 bài học tài chính cá nhân sau năm COVID-19 (Kỳ II)

14:00 | 11/02/2021
Chia sẻ
Một năm COVID-19 với nhiều sóng gió cũng dạy chúng ta rằng, để quản lí tài chính cá nhân hiệu quả, mỗi người sẽ cần có chiến lược và thái độ tích cực.

Theo Wall Street Journal, với nhiều người, năm 2020, thậm chí là sang đầu năm 2021 đều là thời kì vô cùng khó khăn vì đại dịch. Không chỉ áp lực về tiền bạc mà những nỗi lo công việc, lo lắng cho tương lai vẫn khiến chúng ta lao đao. Dù thế, bài học ở đây là bạn vẫn nên duy trì sự tỉnh táo, lạc quan và hiểu rằng sẽ luôn có cách để vực dậy và xây dựng nền tảng tài chính cá nhân vững chắc hơn.

Các bài học tài chính cá nhân quan trọng ai cũng cần biết

8. Mọi thứ sẽ không mãi mãi tốt đẹp hoặc tệ hại

Ngoại suy quá khứ sau đó mất đi hi vọng vào tương lai là một sai lầm lớn và điều này có thể bị coi là một trong những thất bại lớn nhất của mỗi người. Năm 2020 – năm COVID-19 đã dạy cho chúng ta một bài học quan trọng đó là đừng xem điều gì tuyệt đối.

Những ngày đầu năm 2020, thị trường đầu tư chứng khoán thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại, khiến các nhà đầu tư vô cùng lạc quan. Tuy nhiên, khi tháng 3 đến và COVID-19 bùng nổ thì dường như mọi thứ đi ngược lại hẳn so với ban đầu, mọi người bắt đầu cho rằng thị trường sẽ chẳng bao giờ phục hồi được nữa, thậm chí là ngày một tệ hơn.

Tuy nhiên, ông Jeff Mills, giám đốc đầu tư của Bryn Mawr Trust tại Berwyn, Pa (nước Mỹ) nói rằng dù trong tình huống nào thì bạn cũng phải tin rằng không có gì là mãi mãi – không gì tốt mãi hoặc tệ mãi. Đây cũng là lí do tại sao bạn nên đa dạng danh mục đầu tư của mình để chờ cơ hội.

9. Bình tĩnh vì tình huống lần này cũng chỉ như những lần suy thoái khác

Bất cứ nhà đầu tư nào cũng sẽ căng thẳng khi phải chứng kiến thị trường trải qua một đợt điều chỉnh khá lớn. Lúc đó, bạn có thể khó phân biệt bản chất, sự phân nhánh hay khó khăn thực tế của nền kinh tế với tình trạng, viễn cảnh do truyền thông tạo ra. 

Khi đại dịch gây ra sự suy thoái, nó tạo thêm một lớp phức tạp khác cho sự hỗn loạn vì nhiều người bắt đầu liên tục lo lắng rằng "lần này khác" và loay hoay không biết xử lí thế nào.

Bà Jessica Guo, cố vấn tài chính và quản lí danh mục đầu tư cấp cao/cố vấn quản lý tài sản quốc tế tại UBS và là người sáng lập Tập đoàn Guo ở Wellesley, Mỹ nói rằng, mỗi cuộc suy thoái đều khác nhau, nhưng kỉ luật mà các nhà đầu tư áp dụng để quản lí tài sản của mình thì vẫn tương tự. Điều quan trọng là bạn phải biết phân bổ tài sản phù hợp.

10. Thị trường luôn đánh lừa chúng ta

15 bài học tài chính cá nhân sau năm COVID-19 (Kỳ II) - Ảnh 1.

Để đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong năm 2020 và 2021, bạn cần cân nhắc nhiều nếu muốn đảm bảo tài chính cá nhân. Ảnh: Teljoy

Năm COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt, nền kinh tế thu hẹp, thâm hụt ngân sách tại Mỹ hiện đã lên đên 3,3 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, thay vì lao dốc, thị trường chứng khoán Mỹ đang phản ứng lại bằng cách tăng khoảng 20%, được đo bằng tổng lợi nhuận của Chỉ số thị trường Wilshire 5000.

Trong 33 ngày từ ngày 19/2 đến 23/3/2020, khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, chứng khoán trong nước đã giảm gần 35%. Nhiều người nói rằng cổ phiếu sẽ không phục hồi cho đến khi có vắc xin. Thế nhưng sau đó, chứng khoán lại phục hồi và tăng vọt trước những tin tức kinh tế như vậy. 

Lời giải thích đơn giản là thị trường chứng khoán đã đánh lừa chúng ta. Ông Allan Roth, người sáng lập Wealth Logic ở Colorado Springs khẳng định, bài học ở đây là nếu chúng ta không thể giải thích quá khứ thì cũng không cần cố gắng dự đoán tương lai khi quản lí tài chính. Hãy tin vào phân tích của chính mình.

11. Bạn nên có chiến lược 3 nhóm

Cuộc suy thoái vì COVID-19 một lần nữa đã chứng minh rằng mọi nhà đầu tư phải luôn có một kế hoạch và chiến lược đầu tư có thể vượt qua những tình huống không thể dự đoán được.

Chiến lược 3 nhóm là một cách tiếp cận khôn ngoan khi các nhà đầu tư suy nghĩ lại về cách họ nên làm gì với số tiền mình có. Bạn nên phân ra thành nhóm ngắn hạn (trong vòng 2 năm) với tiền mặt hoặc trái phiếu kì hạn ngắn; trung hạn là các khoản cần thiết từ 2 – 5 năm, chẳng hạn như quĩ trái phiếu và sau đó là đầu tư dài hạn trên 5 năm, thường là cổ phiếu. 

Cách tiếp cận này sẽ giúp các nhà đầu tư chuẩn bị cho bất kỳ rủi ro ngắn hạn nào phát sinh, chẳng hạn như suy thoái liên quan đến dịch bệnh mà không làm mất đi tính toàn vẹn của danh mục đầu tư. Phương pháp quản lí tài chính khôn ngoan này được chia sẻ bởi Brian Walsh Jr., cố vấn tài chính cấp cao tại Tập đoàn tài chính Walsh & Nicholson ở Wayne.

12. Tái cân bằng

Một bài học tài chính khác dành cho bạn là hãy cân bằng lại danh mục đầu tư khi các biến động thị trường làm cho hỗn hợp vốn chủ sở hữu của bạn lệch khỏi mục tiêu ban đầu. Bạn có thể làm điều này bằng cách mua thêm cổ phiếu hoặc bán khi chúng tăng giá. Trong hầu hết các năm, tái cân bằng sẽ giúp danh mục đầu tư của bạn sinh lời thêm từ 1 – 2%. 

Thỉnh thoảng, nó có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba lần khi thị trường chứng khoán giảm mạnh và phục hồi, như trong cuộc suy thoái 2007-2009. Thực tế là trong năm COVID-2020 thì cũng chưa có một cơ hội tái cân bằng nào như vậy. 

Ông Jonathan Guyton, chủ tịch Cornerstone Wealth Advisors Inc. ở Minneapolis nói rằng bạn vẫn nên lưu ý để không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền.

13. Tiếp tục đầu tư

Thị trường hỗn loạn năm 2020 khiến nhiều người e ngại nhưng không có nghĩa là bạn cứ thế dừng lại hết kế hoạch đầu tư. Có vẻ như thị trường tài chính đã sụp đổ vào gần cuối quí đầu tiên khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ nhưng khi thị trường phục hồi, nhiều người lại nuối tiếc. 

Bài học mà ông David Blanchett, trưởng bộ phận nghiên cứu hưu trí tại Morningstar Investment Management ở Lexington rút ra được là hãy duy trì đầu tư nếu bạn muốn củng cố tiềm lực tài chính.

14. Có thêm công việc hỗ trợ

Để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư hay đơn giản là đủ tiền sinh hoạt trong thời kì xảy ra đại dịch, điều quan trọng nhất bạn có thể làm là có thêm các nguồn thu nhập khác ngoài công việc chính hay lợi nhuận từ đầu tư. 

Nhiều công dân toàn cầu coi đại dịch như một lời kêu gọi hành động và sử dụng công nghệ để tạo ra các nguồn thu nhập mới thông qua viết blog, bán các khóa học, viết sách điện tử, đăng nội dung video, huấn luyện hoặc tư vấn, thiết lập một cửa hàng trực tuyến,... 

Trong thế kỷ 21 khi phần lớn các giao dịch diễn ra kỹ thuật số thông qua web, kiến thức về công nghệ cũng quan trọng như hiểu biết về tài chính – ông Yanely Espinal, giám đốc tiếp cận giáo dục tại Next Gen Personal Finance ở New York đánh giá.

15. Đừng bỏ qua trái phiếu

Nhiều nhà đầu tư nhanh chóng loại bỏ trái phiếu do lợi suất thấp trong lịch sử của chúng. Tuy nhiên, các sự kiện trong năm qua đã củng cố tầm quan trọng của việc đưa thu nhập cố định vào danh mục đầu tư của chúng ta. 

Theo ông Jonathan I. Shenkman, cố vấn tài chính tại Oppenheimer & Co. ở New York thì mọi người vẫn nên đầu tư vào trái phiếu nếu có điều kiện để đảm bảo tài chính an toàn.

Thu Phương