15 bài học tài chính cá nhân sau một năm COVID-19 (Kì I)
Sang năm mới 2021, The Wall Street Journal đã có bài phân tích chuyên sâu dựa trên ý kiến của một số CEO, cố vấn tài chính uy tín tại Mỹ. Không nghi ngờ gì nữa, một năm với COVID-19 là năm mà mọi người muốn quên đi nhưng trước khi chúng ta cố gắng xóa sạch những ký ức đó, đây là một số điều mà các nhà đầu tư hay những người bình thường cần quản lí tài chính cá nhân đều nên ghi nhớ.
Những bài học tài chính cá nhân quan trọng nhất
1. Đối phó với trường hợp khẩn cấp
Ông Scott Baker, Phó Giáo sư Tài chính tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern ở Evanston, Ill nhận định rằng, bài học đầu tiên từ năm đầy biến động vừa qua là mọi người buộc phải chuẩn bị một quỹ khẩn cấp ít nhất là 1 tháng chi tiêu. Quỹ này nên để ở dạng dễ tiếp cận như tài khoản tiết kiệm, tiền mặt hoặc tài khoản séc để đối phó kịp thời nếu thu nhập của bạn bị giảm đột ngột hoặc bị cắt hoàn toàn.
Mặc dù quỹ khẩn cấp không thể bù đắp cho việc bạn bị mất việc làm và đối mặt với tình trạng thất nghiệp dài hạn, nhưng quỹ này có thể giúp giảm tác động của những gián đoạn kinh tế ngắn hạn.
2. Phải có kỷ luật về tài chính
Bà Lazetta Rainey Braxton, đồng Giám đốc điều hành của 2050 Wealth Partners tại New York thì chú ý nhiều hơn đến tính kỷ luật trong quản lí tài chính cá nhân. Bà nhận định, đại dịch COVID-19 đã dạy chúng ta rằng áp dụng kỉ luật tài chính là điều có thể thực hiện được.
Những hạn chế đối với các thú vui trong cuộc sống, chẳng hạn như hạn chế đi du lịch và ăn uống ở nhà hàng… đều khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về số tiền mình đã chi tiêu cho những hoạt động này trong quá khứ.
Không thể phủ nhận COVID-19 đã phần nào giúp chúng ta nhận ra giá trị của việc chi tiêu điều độ và tiết kiệm có chủ đích. Việc để tiết kiệm được một khoản tiền mặt sẽ giúp bạn tự tin hơn khi buộc phải đối mặt với các cú sốc trong cuộc sống.
3. Mua vào khi người khác sợ hãi
Thời điểm tốt nhất để đầu tư là khi những người khác đang lo sợ. Vào năm 2020, chúng ta phải đối mặt với những rủi ro không giống như bất kỳ rủi ro nào chúng ta từng biết trong quá khứ. Việc bị thông báo rằng bạn đang gặp nguy hiểm sẽ kích hoạt tất cả các cơ chế bảo vệ nhằm giữ cho bản thân và những người xung quanh an toàn.
Thật không may, không có phản ứng bản năng nào trong số này hữu ích cho đầu tư dài hạn. Vào tháng 3/2020, nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư đã vượt ra ngoài danh mục đầu tư và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cá nhân của họ.
Lời khuyên của chuyên gia tài chính Peter Lazaroff, giám đốc đầu tư tại Plancorp, St. Louis là: Bạn hãy nên đầu tư mua cổ phiếu khi thị trường giảm ít nhất 30% và tâm lý của bạn phải là sẵn sàng mất tiền trong một số trường hợp để kiếm được lợi nhuận trung bình trong dài hạn.
4. Quản trị rủi ro
Một bài học tài chính cá nhân lớn nhất từ năm 2020 là tầm quan trọng của việc hiểu và quản trị rủi ro. Thật không may, đây là một trong những khái niệm cơ bản nhất về tài chính cá nhân nhưng lại không có nhiều người thực sự quan tâm.
Mặc dù rủi ro là điều thường trực trong cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng ta thường không đủ bảo đảm trước những rủi ro mà mình phải đối mặt, Giáo sư Annamaria Lusardi từ Đại học George Washington, Washington, D.C cho hay.
Theo bà, chúng ta nên tự hỏi: Gia đình mình đã được bảo hiểm trong trường hợp có vấn đề sức khỏe hay chưa? Bảo hiểm đó như thế nào? Khả năng chi trả của gia đình ra sao và quan trọng là chúng ta có bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ gia đình mình trong trường hợp (những) người có thu nhập qua đời không? Đây đều là những câu hỏi khó để đối mặt nhưng đại dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở rằng thà khó khăn mà an toàn còn hơn xảy ra những điều đáng tiếc.
5. Ý chí vững vàng
Bỗng dưng thì không mấy ai lại nghĩ đến ý tưởng một lúc nào đó mình sẽ chết vì dịch bệnh. Tuy nhiên, năm 2020 đã chứng minh rằng bạn nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Cho dù bạn đã tạo dựng được một doanh nghiệp phát triển trước đó hay kiếm được vài trăm triệu, thậm chí là vài chục triệu thì điều quan trọng nhất vẫn là bạn có ý chí để đứng lên, để nỗ lực và bảo vệ gia đình mình. Cho dù gặp phải khó khăn thế nào, có tình hình tài chính ra sao thì ý chí kiên định cũng sẽ giúp bạn vực dậy, ông Ted Jenkin, đồng CEO và người sáng lập của oXYGen Financial ở Alpharetta, Ga cho hay.
6. Tài chính cá nhân phản ánh giá trị của bạn
Bên cạnh đó, các sự kiện của năm 2020 cũng nhắc nhở mọi người về những lí do cơ bản đằng sau nền tảng tài chính của họ. Nhiều người đã kết nối lại tài chính cá nhân với những điều quan trọng nhất, đó là cách họ sử dụng thời gian, cách sử dụng tiền bạc cho gia đình và những khoản đầu tư, cách nhìn nhận và đánh giá sự nghiệp…
Tài chính cá nhân không tồn tại trong chân không; nó tồn tại trong ánh sáng của những gì chúng ta coi trọng nhất, theo Jared B. Snider, đối tác và cố vấn tài sản cao cấp tại Exencial Wealth Advisors ở Oklahoma, Okla.
7. Cần xây dựng kế hoạch nghỉ hưu linh hoạt
Ông Maddy Dychtwald, đồng sáng lập của Age Wave, một tổ chức tư vấn và tư vấn ở Khu vực Vịnh San Francisco nói rằng. Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người Mỹ cảm thấy cần phải trì hoãn việc nghỉ hưu, nhất là nghỉ hưu sớm. Đối với họ, đó là giải pháp tài chính ngắn hạn (thậm chí là dài hạn) tốt nhất lúc này.
Tuy nhiên, thực tế đó cũng là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc không có kế hoạch nghỉ hưu. Một con số khổng lồ 81 triệu người Mỹ đã báo cáo rằng thời gian nghỉ hưu của họ đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hầu hết họ tin rằng mình cần phải làm việc lâu hơn dự định ít nhất 3 năm.
(Còn tiếp)