|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2022​

23:23 | 27/12/2022
Chia sẻ
Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới năm 2022, do Ban biên tập tin Kinh tế - Thông tấn xã Việt Nam bình chọn:

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

1. Thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng và lương thực

Xung đột Nga-Ukraine xảy ra cuối tháng 2/2022 đã đẩy giá năng lượng, lương thực thế giới tăng vọt. Ngày 7/3, giá khí đốt tăng gần 5 lần so với thời điểm trước xung đột.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) trong tháng Ba tăng lên mức cao mới là 159,3 điểm.

Các biện pháp trừng phạt - đáp trả giữa Mỹ, châu Âu và Nga đã khiến nguồn cung dầu khí sụt giảm và giá tăng mạnh. Căng thẳng địa chính trị và thiên tai đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát, suy giảm tăng trưởng.

2. Các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để đối phó lạm phát

Ngày 16/3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khởi đầu xu hướng tăng lãi suất với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, lần tăng đầu tiên sau 3 năm. Năm 2022, Fed đã nâng lãi suất 7 lần, lên ngưỡng 4,25-4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua và sau đó tăng thêm 3 lần.

Để hạ nhiệt lạm phát ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ, các ngân hàng trung ương đã tăng mạnh lãi suất trở lại sau một thời gian áp dụng lãi suất gần bằng 0 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn đại dịch.

3. Đồng euro giảm xuống thấp hơn đồng USD

Lần đầu tiên trong 20 năm, trong phiên 15/9, đồng euro đã xuống thấp hơn đồng USD với mức giao dịch 1 euro đổi 0,9880 USD.

Nguyên nhân do châu Âu đối mặt khủng hoảng năng lượng và nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.

Cùng với đó, chênh lệch lãi suất và lợi suất trái phiếu chính phủ ở Mỹ và châu Âu đã thúc đẩy nhà đầu tư chuyển từ đồng euro sang USD.

4. COP27 lập quỹ đặc biệt bù đắp tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu

Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập từ ngày 6-20/11 đã thông qua thỏa thuận khí hậu tổng quát, với sáng kiến nổi bật là thành lập quỹ đặc biệt để bù đắp tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu.

Đây là một bước tiến lịch sử sau gần 30 năm đàm phán, mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính chi trả cho những tổn thất và thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu.

5. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đề ra các quyết sách kinh tế quan trọng

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2022 là sự kiện quan trọng đối với Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Chủ trương phát triển kinh tế trong giai đoạn tới sẽ là "Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc" và "thịnh vượng chung". Trong 5 năm tới, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung Quốc là đầu tư mạnh cho công nghệ để hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

6. OPEC+ cắt giảm sản lượng mạnh nhất kể từ năm 2020

Ngày 5/10 tại Vienna (Áo), các thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày (2% nguồn cung toàn cầu) từ tháng 11/2022.

Đây là lần cắt giảm sản lượng mạnh nhất của OPEC+ kể từ tháng 4/2020 để ngăn đà giảm sâu của giá dầu. Quyết định này của OPEC+ đã làm gia tăng lo ngại nguồn cung dầu mỏ, trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và kéo lùi đà tăng trưởng trên toàn cầu.

7. Giá vàng thế giới lập đỉnh mới

Giá vàng thế giới phiên 8/3 vọt lên mức kỷ lục 2.078,8 USD/ounce. Áp lực lạm phát và bất ổn địa chính trị đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng như một kênh an toàn.

Tuy nhiên, đà tăng này đã không duy trì được, do đồng USD mạnh lên và xu hướng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

8. Tiền kỹ thuật số đối diện với tương lai bất định

Ngày 11/11, sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn thứ hai thế giới FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ. Sau đó, phiên 22/11, đồng bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất của 2 năm qua là 15.480 USD.

Ngày 28/11, BlockFi - một trong những công ty cho vay tiền số lớn nhất thế giới cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án Mỹ, do phần lớn tài sản của BlockFi bị mắc kẹt trên sàn giao dịch FTX. Thị trường tiền điện tử ngày càng khó kiểm soát và đối diện với tương lai bất định.

9. Thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh

Ngày 13/6, chỉ số chứng khoán thế giới (MSCI ACWI) giảm 21% từ mức đỉnh thiết lập giữa tháng 11/2021, xuống 597,64 điểm. Kể từ phiên giao dịch này, chứng khoán thế giới rơi vào xu hướng giảm dài hạn khi lạm phát tăng cao.

Làn sóng bán tháo quét qua các thị trường chứng khoán toàn cầu do nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo thị trường chứng khoán có thể rơi vào tình trạng "ngủ đông" nếu suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

10. Tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter

Ngày 27/10, tỷ phú Elon Musk đã hoàn tất mua lại mạng xã hội Twitter Inc trong một thương vụ ồn ào trị giá 44 tỷ USD. Ngay sau khi tiếp quản, ông Musk đã cắt giảm khoảng 50% nhân sự và tăng phí đối với người sử dụng.

Chính sách điều hành mới của ông Musk đã làm nhiều đối tác rút quảng cáo hoặc tạm dừng các chiến dịch tiếp thị trên Twitter.

Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của ông Musk tính đến ngày 22/11 giảm còn 169,8 tỷ USD, mất 100,5 tỷ USD kể từ đầu năm. Đây là mức giảm giá trị tài sản chưa từng có trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.