10 năm im lặng và quyết định lên tiếng của cựu tổng giám đốc Trung Nguyên
Trung Nguyên không thể bỏ qua ý kiến bà Lê Hoàng Diệp Thảo khi bổ nhiệm nhân sự điều hành? |
Mới đây, ông Đỗ Hoà - Cựu tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên - đã viết những lời tâm sự về những việc ông chứng kiến trong thời gian ba tháng làm việc tại Tập đoàn từ cuối năm 2007 đến đầu 2008.
Hiện tại ông là Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa quản trị (IME Vietnam), nguyên giám đốc chiến lược và Marketing của Tập đoàn Năng lượng Đa quốc gia Shell PC và giữ nhiều vị trí điều hành trong các tập đoàn khác.
Nổi tiếng là một người cẩn trọng trong phát khôn, ông Hòa hiếm khi lên tiếng can thiệp đến những câu chuyện của người khác. Vậy, điều gì khiến ông quyết định chia sẻ về một phần câu chuyện của Trung Nguyên?
“Tôi không có ý kiến về quan hệ riêng tư của người khác, mà chỉ có thể nói về những gì mà tôi trực tiếp nghe thấy”, ông nhấn mạnh.
Xét về bản chất mối quan hệ giữa Đỗ Hòa với Trung Nguyên, ông nghĩ vấn đề chỉ là hai bên không có duyên hợp tác.
Sau ba tháng thử việc với vị trí Tổng giám đốc Tập đoàn, đến thời điểm thương lượng để ký hợp đồng chính thức hai năm thì hai bên không tìm thấy tiếng nói chung về một số điều khoản. Vì thế, quan hệ giữa ông và Trung Nguyên chấm dứt tại thời điểm đó.
Đỗ Hòa có thói quen giữ lại những ghi chép cá nhân từ thời đi học phổ thông. Vì thế, đến thời điểm hiện tại, nhật ký về những ngày làm việc của ông ở Trung Nguyên vẫn còn đó.
Hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008, với cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông lại nhận chức vụ Trưởng ban biên soạn giáo lý đạo cà phê, kiêm trưởng ban truyền bá đạo. Và ông được yêu cầu làm thủ tục lạy trước bàn thờ đạo đặt ở một số điểm kinh doanh.
Lúc ấy, mỗi khi Trung Nguyên đi tham dự hội chợ, bên cạnh gian hàng trưng bày sản phẩm còn có thêm gian bàn thờ. Khách nước ngoài tò mò dòm ngó cái gian bàn thờ mà không dám bước vào.
Hình ảnh trên trang cá nhân của Cựu Giám đốc Đỗ Hoà. |
Ông cho rằng Trung Nguyên không chỉ là một doanh nghiệp thuần túy, mà là sự tổng hợp của ba hoạt động - tôn giáo, chính trị và kinh doanh - không phân định rõ ràng.
Theo dõi diến biến của Trung Nguyên từ hơn 10 năm qua, nhưng ông vẫn chưa tìm thấy câu trả lời cho hoạt động của Tập đoàn.
Vị trí vua cà phê đang lung lay khi từ vị trí đứng đầu thị trường Việt giảm dần xuống chỉ còn đứng đầu của một vài phân khúc. Sự đoàn kết trong nội bộ tập đoàn suy yếu…
Trong khi đó, mục tiêu của Tập đoàn ngày một đẩy lên cao, với tột đỉnh là thống lĩnh toàn nhân loại. Đỗ Hòa thấy sự chênh lệch rất lớn giữa những mục tiêu cao cả đề ra và năng lực thực tế.
Điều mà ông Hoà thực sự quan tâm là việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể không tỉnh táo và ông ấy cũng như Trung Nguyên cần đến sự giúp đỡ để vượt qua khủng hoảng.
Ông nhấn mạnh rằng những chia sẻ của ông là vấn đề từ góc nhìn và cảm nhận của cá nhân, với mục đích duy nhất đóng góp tiếng nói khách quan và mong muốn vợ chồng ông Vũ, bà Thảo giải quyết được vấn đề.
“Xin mọi người hãy giúp họ giải quyết vấn đề!”, ông thổ lộ.