Zalopay công bố định hướng phát triển mới, thoát khỏi mô hình ví điện tử
Ngày 2/7, tại sự kiện ra mắt nhận diện thương hiệu mới của Zalopay, bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc Zalopay, cho biết công ty đã và đang phát triển theo một định hướng mới từ cuối năm 2023 là mở rộng thành một nền tảng thanh toán, thoát khỏi mô hình ví điện tử truyền thống để tạo ra sự khác biệt ở trên thị trường.
Sau hơn 6 năm phát triển, Zalopay đã có hơn 14 triệu người dùng, cung cấp danh mục sản phẩm hơn 100 dịch vụ tiện ích. Trong vòng 6 tháng, nền tảng đã cho ra mắt tính năng và diện mạo mới đáp ứng định hướng mới.
Theo đó, Zalopay đã hợp tác cùng Napas ra mắt Zalopay QR Đa Năng, chấp nhận thanh toán từ mọi ứng dụng ngân hàng và ví điện tử. Nền tảng này tiếp tục hợp tác với các đối tác lớn để mở thêm nhiều phương thức thanh toán như: qua ứng dụng ngân hàng, thẻ quốc tế, thẻ ATM, Apple Pay,...
Theo ghi nhận, số lượng người dùng thanh toán qua các hình thức không phải ví như ứng dụng ngân hàng, thẻ quốc tế hay Apple Pay chiếm khoảng 37% tổng lượng người dùng mới hàng tháng của Zalopay.
Theo Khảo sát Thái độ Thanh toán Tiêu dùng của Visa năm 2022, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực về thái độ tích cực đối với thanh toán không dùng tiền mặt, cho thấy sự phát triển nhanh chóng của việc sử dụng thanh toán kỹ thuật số.
Sự tích hợp công nghệ tiên tiến đã tăng khối lượng giao dịch thanh toán kỹ thuật số, tăng hơn 60% trong 9 tháng đầu năm 2023, nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ, đầu tư từ các ngân hàng và sự phổ biến của mã QR. Xu hướng này được dự đoán sẽ tăng tốc khi ngân hàng nhà nước thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu vực nông thôn.
Ngoài mở rộng các tính năng thanh toán, Zalopay cũng thu hút người dùng bằng tính năng tích thưởng mọi thanh toán từ mọi ứng dụng ngân hàng. Điểm thưởng tích lũy từ các giao dịch này có thể được sử dụng để quy đổi các quà tặng vé xem phim, ăn uống, dịch vụ giải trí,… hoặc đặc quyền ưu tiên trong phòng chờ sân bay. Tính năng này đã giúp Zalopay thu về hơn hai triệu khách hàng đăng ký.
Theo báo cáo của Nextrans Việt Nam, địch vụ tài chính số tại Việt Nam hiện đang đứng trên "4 cột trụ" là thanh toán số, cho vay số, bảo hiểm số và quản lý tài sản số. Và các lĩnh vực này đều cho thấy sự tăng trưởng bền vững với chỉ số CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) trung bình ở mức hai con số.
Trong 4 "cột trụ", lĩnh vực quản lý tài sản số cho thấy tốc độ tăng trưởng CAGR lớn nhất, ở mức 59%, trong khi cho vay số cũng đang thể hiện tốc độ tăng trưởng cao, ở mức 39%.
Nhận thấy tiềm năng phát triển, Zalopay cũng đã đầu tư mở rộng mảng tài chính cá nhân thông qua 6 sản phẩm tài chính cá nhân liên quan đến tiết kiệm, đầu tư chứng khoán và cho vay tiêu dùng. Theo báo cáo, sản phẩm Số dư sinh lời hợp tác với Infina hiện nay đang phục vụ hơn 1,9 triệu khách hàng.
Bà Chi cho biết Zalopay lựa chọn hướng đi tăng trưởng lâu dài, chiến lược và bền vững chứkhông phụ thuộc vào các chương trình khuyến mại để thu hút người dùng. Lãnh đạo Zalo cũng thông tin rằng định hướng này đã giúp Zalopay ghi nhận tăng trưởng doanh thu 40% trong khi mức lỗ từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh 42% trong năm tài chính 2023.
70% doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam hiện nay là các startup, trong đó 48% hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, cung cấp các giải pháp thanh toán số với những ví điện tử nổi tiếng như Momo và ZaloPay, lần lượt chiếm 68% và 53% thị phần.
Mặc dù dẫn đầu nhưng hai công ty này vẫn chưa đạt được mức độ phổ biến như Alipay hay WeChat Pay, những hình mẫu của ví điện tử, tại thị trường Trung Quốc. Để phát triển, các ví điện tử phải tiến xa hơn chức năng thanh toán.
Zalopay thay đổi nhận diện thương hiệu
Ngày 2/7, nền tảng Zalopay đã công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.Zalopay cho biết phiên bản logo mới đã bỏ các khối viền đóng kín với hai tông xanh tạo cảm giác mới mẻ, phóng khoáng. Thêm vào đó, chữ “P” nay đơn giản hoá bằng cách viết thường, mang đến sự liền mạch, tinh gọn.
Zalopay kỳ vọng sự thay đổi này sẽ trở thành niềm cảm hứng để tất cả khách hàng có thể tự tin bước ra khỏi mọi giới hạn, khai phá thêm những trải nghiệm sống mới.