|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Yếu tố hỗ trợ cổ phiếu chứng khoán tăng giá mạnh

16:57 | 09/03/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam đã trải qua tuần giao dịch đầu tháng 3 với những biến động mạnh về điểm số, thanh khoản cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm.

Sau nhịp tăng điểm dài và trước diễn biến chưa rõ xu hướng sau khi tiếp cận lại vùng đỉnh cũ, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và dẫn đến áp lực chốt lời ngắn hạn. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại. Đáng chú ý, tuần qua, những thông tin hỗ trợ tích cực từ hệ thống KRX đã giúp cổ phiếu nhóm chứng khoán tăng giá rất mạnh.

Tâm điểm cổ phiếu chứng khoán

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), tuần qua, thị trường đón nhận nhiều thông tin như: Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên mức cao nhất - quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện sau hơn 50 năm quan hệ ngoại giao; Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết, từ ngày 4 - 8/3 sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin mới KRX.

Đến giai đoạn 11 - 15/3, các công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động như một ngày giao dịch bình thường. Về tin tức vĩ mô thế giới, ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức, đồng thời nhận định lạm phát đang giảm nhanh hơn dự đoán ở thời điểm cách đây vài tháng.

Trong tuần qua, với biến động xoay vòng, thanh khoản rất cao, đồng thời những tin tức hỗ trợ tích cực từ hệ thống KRX đã giúp nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán tăng giá vượt trội, thanh khoản rất đột biến, nhiều mã tăng giá rất mạnh như AGR tăng 16,02%, AGR tăng 14,54%, DSC tăng 13,27%, CTS tăng 9,77%, PSI tăng 7,95%...

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn tăng giá mạnh đã chịu áp lực bán dâng cao, là nhân tố chính gây áp lực giảm điểm lên chỉ số VN-Index trong phiên cuối tuần. Theo đó, nhiều mã ngân hàng kết thúc tuần giảm khá mạnh so với tuần trước như TPB giảm 6,3%, BVB giảm 6,09%, MSB giảm 5,71%, BID giảm 4,49%...

Nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục có diễn biến kém tích cực so với thị trường, đa số chịu áp lực điều chỉnh, giảm giá như AGG giảm 5,39%, NVL giảm 4,62%, CEO giảm 3,98%, DIG giảm 3,63%....

Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến phân hóa với sắc xanh đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có BCM tăng 8,96%, KBC tăng 6,09%..., trong khi VGC giảm 2,34%, DTD giảm 2,05%, IDC giảm 1,87%...

Do những biến động mạnh ở những phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.247,4 điểm, tương đương mức giảm 0,9% so với cuối tuần trước; chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cùng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,1% lên 236,3 và 91,2 điểm.

Tuần qua, BID giảm 3,4%, VCB giảm 2,3%, VHM giảm 3,2% là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi MSN tăng 11,4%, BCM tăng 9% và GAS tăng 2,5%, giúp kìm lại đà bán tháo. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình cũng là điểm sáng của thị trường trong tuần với một số mã tăng giá mạnh.

Đáng chú ý, thanh khoản tiếp tục cải thiện với giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 30.187 tỷ đồng/phiên, tăng 15,9% so với tuần trước đó. Khối ngoại trở lại bán ròng, chủ yếu trên HOSE với giá trị 981,4 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, ghi nhận mua ròng nhẹ 37 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài, trong khi giá trị bán ròng trên UPCoM là 20 tỷ đồng, tăng 15% so tuần trước đó. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 964 tỷ đồng trong tuần qua.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, áp lực chốt lời tăng mạnh khi chỉ số VN-Index chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm "bất thành" trong phiên cuối tuần qua. Đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây và dần lan rộng ra toàn thị trường.

Lực bán càng gia tăng về cuối phiên ngày thứ 6 và kéo chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm. Mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo cổ phiếu. Thực tế, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ khi chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20 (đường trung bình động lấy mốc thời gian ngắn hạn trong 20 phiên giao dịch).

Bên cạnh đó, những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu. Đáng chú ý, sau khi vượt vùng 24.700 đồng đổi 1 USD, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã lùi dần về vùng 24.650 đồng trong phiên cuối tuần qua. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại, ông Hinh nêu quan điểm.

Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap), chuyên gia từ VNDirect nhn nhận.

Theo CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), phiên giảm mạnh cuối tuần qua không quá bất ngờ khi tín hiệu chốt lời đã manh nha xuất hiện trong 2 phiên trước, khiến VN-Index không thể chinh phục ngưỡng kháng cự 1.275 - 1.277 điểm.

Phiên giảm mạnh cuối tuần qua khá tiêu cực khi xét về điểm số lẫn thanh khoản. Cụ thể, VN-Index đóng cửa ở mức giảm sâu với khối lượng khớp lệnh bùng nổ, tăng 43,3% so với mức trung bình 20 phiên. Đây là tín hiệu cho thấy áp lực bán có thể tiếp diễn trong các phiên tới.

Xét trên biểu đồ tuần, xu hướng tăng điểm vẫn chưa bị bẻ gãy, nên khả năng cao là nhịp điều chỉnh hình thành bởi phiên giảm mạnh cuối tuần qua cũng chỉ ngắn hạn. CSI kỳ vọng mốc hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm cho đợt điều chỉnh lần này, sau đó thị trường sẽ quay lại xu hướng tích cực.

Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) có góc nhìn thận trọng khi cho rằng, sau 1 tuần không thể chinh phục vùng 1.270 -1.280 điểm, VN-Index có thể sẽ rơi vào nhịp điều chỉnh. Vùng hỗ trợ ngắn hạn của chỉ số hiện đang là mốc 1.232 điểm. Để mất mốc 1.253 điểm trong phiên cuối tuần, chỉ số có thể diễn biến hồi phục để kiểm định mốc này, do đó kháng cự ngắn hạn của VN-Index sẽ là vùng 1.253 điểm.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống trong bối cảnh nhà đầu tư chứng thế giới thận trọng sau báo cáo về thị trường lao động Mỹ.

Tâm lý thận trọng bao trùm

Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày 8/3, trong bối cảnh các nhà đầu tư vừa nhận được báo cáo việc làm của Mỹ. Báo cáo này được cho là không giải quyết được cuộc tranh luận về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 275.000 việc làm trong tháng 2/2024, cao hơn so với dự kiến của các nhà phân tích và tăng so với mức điều chỉnh của tháng 1/2024. Tuy nhiên, báo cáo trên cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,7% lên 3,9%.

Ba chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm điểm khi đóng phiên 8/3. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 38.722,69 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,7% xuống 5.123,69 điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,2% xuống 16.085,11 điểm.

Tại châu Âu, thị trường Paris đóng cửa tăng nhẹ, thị trường Frankfurt và London đi xuống. Cụ thể, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,2% lên 8.028,01 điểm; chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,4% xuống 7.659,74 điểm; chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 0,2% xuống 17.814,51 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,3% xuống 4.961,11 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay, nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia tăng 85% từ đầu năm đến nay, còn cổ phiếu của Meta tăng giá 46%, trong khi giá cổ phiếu của Apple giảm 7%. Đáng chú ý, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện Tesla đã để mất 29% giá trị.

Văn Giáp