Yêu cầu ký thỏa thuận khung mua bán khí tại siêu dự án Cá Voi Xanh trong quý I
Theo kết luận của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm dầu khí về tình hình triển khai các dự án trọng điểm dầu khí (ngày 4/1/2023), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban thường trực đã đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết, hỗ trợ pháp lý, xử lý dứt điểm vướng mắc để thúc đẩy nhanh Chuỗi Dự án khí - điện Cá Voi Xanh.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) hoàn tất thủ tục ký thỏa thuận khung mua bán khí (GSA HOA) trong quý I/2023. Đồng thời đề nghị PVN khẩn trương xem xét, hoàn thiện kế hoạch phát triển mỏ Cá Voi Xanh (phiên bản D do ExxonMobil trình) trong quý I này và báo cáo Bộ Công Thương thẩm định theo quy định.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ các nhà đầu tư ExxonMobil và PVN về hồ sơ thuê đất phục vụ dự án phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh. Song song đó là thúc đẩy việc triển khai nâng cấp Cảng Kỳ Hà phục vụ xuất sản phẩm condensate của mỏ Cá Voi Xanh.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đề nghị PVN và ExxonMobil khẩn trương thống nhất với các bộ Giao thông vận tải, Quốc phòng và tỉnh Quảng Nam giải quyết vướng mắc liên quan đến phương án tuyến ống dẫn khí mỏ Cá Voi Xanh đi qua Cảng hàng không Quốc tế Chu Lai, hoàn thành trong quý I.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) các dự án nhà máy điện: Miền Trung 1, 2 và Dung Quất 1, 3 để sẵn sàng phê duyệt khi có đủ điều kiện về nguồn nhiên liệu khí, đảm bảo tiến độ các dự án này đồng bộ với tiến độ triển khai dự án thượng nguồn. Mặt khác, nghiên cứu phương án chủ động về nguồn nguyên liệu khí trong trường hợp dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh bị chậm tiến độ, hoặc thiếu hụt khí.
Thông tin thêm, mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía đông, vị trí tiếp bờ của dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh và nhà máy xử lý khí đặt tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), do Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ làm nhà điều hành.
Mỏ khí này có trữ lượng thu hồi tại chỗ ước tính khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ - thuộc dự án khí Nam Côn Sơn (lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại). Hiện các bên đang xây dựng và chuẩn bị các phương án khai thác và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước.
Khi đưa vào khai thác, “siêu dự án” này sẽ cung cấp nguồn khí thiên nhiên đặc biệt quan trọng, sử dụng cho các nhu cầu phát điện, hóa dầu, cũng như là động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và tạo việc làm cho lao động trong khu vực.
Theo kế hoạch, Tập đoàn ExxonMobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88k m nối vào bờ biển Chu Lai.
Tổng sản lượng khí hằng năm khai thác khoảng 9 – 10 tỷ m3, trong đó dành 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
Tập đoàn PVN đầu tư toàn dự án này khoảng 4,6 tỷ USD; doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD, từ điện khoảng 30 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, dự án dự kiến sẽ nộp ngân sách nhà nước 3.900 tỷ đồng mỗi năm.