|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỏ khí Cá Voi Xanh và kỳ vọng từ ‘đại gia’ dầu khí Mỹ - Exxon Mobil

15:05 | 13/10/2017
Chia sẻ
Việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên để sớm khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Và kỳ vọng đó sẽ đến từ Exxon Mobil - một “đại gia” dầu khí đến từ Mỹ.
mo khi ca voi xanh va ky vong tu dai gia dau khi my exxon mobil
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil - Paul Greenwood Ảnh: VGP

“Rất quan trọng!”

Đó là từ mà Phó Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil - Paul Greenwood đã dùng để nói về Dự án Khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh khi tiếp xúc Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 10/10 vừa qua.

Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil khẳng định: “Dự án khai thác khí tại mỏ Cá Voi Xanh có vai trò rất quan trọng đối với Tập đoàn trong việc đẩy mạnh hợp tác đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác, chế biến các sản phẩm dầu khí”.

Ông Paul Greenwood cũng cho biết, thời gian tới sẽ cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm nghiên cứu triển khai các dự án về khai thác, chế biến dầu khí khác tại Việt Nam. Thời gian qua, Exxon Mobil cũng đã triển khai nhiều phần việc quan trọng trên hiện trường cũng như đàm phán với các cơ quan của Việt Nam về các nội dung chi tiết của dự án.

Được biết, tại buổi tiếp, ông Paul Greenwood cũng đã kiến nghị với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng một số nội dung cần được tháo gỡ để các bên liên quan có thể sớm đạt được thoả thuận cuối cùng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao việc Exxon Mobil tham gia phát triển, khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong việc làm cụ thể, sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. “Đối với Việt Nam, triển khai dự án Cá Voi Xanh sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là điều kiện quan trọng để Việt Nam xây dựng và vận hành các nhà máy điện khí đặt tại khu vực miền Trung”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao tình hình triển khai dự án của Exxon Mobil trong việc đạt một số mốc tiến độ quan trọng trong thời gian qua, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để có thể đón dòng khí đầu tiên từ mỏ Cá Voi Xanh vào năm 2023.

Còn nhớ, vào tháng 7/2013, nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, PVN và Exxon Mobil cũng đã ký thỏa thuận khung triển khai Dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh.

mo khi ca voi xanh va ky vong tu dai gia dau khi my exxon mobil
Một nhà máy của Exxon Mobil

Toàn cảnh mỏ khí Cá Voi Xanh

Theo PVN, Cá Voi Xanh được cho là mỏ lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Khi đưa vào khai thác, dự án này sẽ cung cấp nguồn khí thiên nhiên đặc biệt quan trọng, sử dụng cho các nhu cầu phát điện, hóa dầu cũng như là động lực phát triển các ngành công nghiệp địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước và tạo việc làm cho lao động trong khu vực.

Trước đó, vào năm 2014, Exxon Mobil bắt đầu lên tiếng muốn đầu tư vào Việt Nam một dự án điện khí 20 tỷ USD tại Quảng Ngãi và Quảng Nam. Sau đó, có thông tin cho biết dự án giảm xuống còn 10 tỷ đô la.

Mới đây, ngày 16/7/2017, lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cũng đã có cuộc gặp gỡ với đại diện Tập đoàn Exxon Mobil để bàn việc triển khai Dự án Khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh. Được biết, tại buổi làm việc này, đại diện Exxon Mobil khẳng định, Tập đoàn đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể triển khai Dự án. Hiện, Exxon Mobil đã triển khai thiết kế sơ bộ và thiết kế tổng thể dự án, nhằm triển khai dự án với mục tiêu có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023.

Được biết, Exxon Mobil đã ký với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí - PVEP (thuộc PVN) Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh. Tập đoàn của Mỹ cũng đã tiến hành khảo sát vị trí, lấy mẫu đất nền mùa khô để lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Nếu mọi việc suôn sẻ, Exxon Mobil sẽ sớm hoàn thành việc khảo sát địa chất, lập thiết kế lắp đặt đường ống và dự kiến, trong tháng 10/2017, sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở trên bờ.

Sau thời gian đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác, có thể nói, đến thời điểm này, Dự án Khai thác khí mỏ Cá Voi Xanh đang vào giai đoạn gấp rút. Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, khoảng 6 năm nữa, Việt Nam sẽ đón dòng khí đầu tiên từ mỏ khí ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Lan tỏa cơ hội phát triển kinh tế

Ngoài khai thác khí ở mỏ Cá Voi Xanh, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mở ra hàng loạt cơ hội mới cho kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung. Theo kế hoạch, trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí ở khu vực Chu Lai (Quảng Nam). Đồng thời, trong tổng sản lượng khai thác khí hàng năm khoảng 9 - 10 tỷ m3, sẽ có 1 tỷ m3 được chuyển về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) phục vụ chế biến sâu.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý quy hoạch xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 3.000 MW (công suất mỗi nhà máy 750 MW), sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh. Trong đó, hai nhà máy được xây tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) và hai nhà máy sẽ xây ở Khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa phận xã Bình Thạnh (Bình Sơn).

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương dành một lượng khí của mỏ khí Cá Voi Xanh cho phát triển ngành công nghiệp hóa dầu.

Theo các chuyên gia, hiện, mặc dù chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch đầu tư các dự án trên, nhưng một điều chắc chắn, khi Dự án Khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh hoàn thành, các dự án trên bờ sẽ được triển khai.

Trước đó, vào tháng 7/2014, ông Phạm Như Sô (khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) cho tác giả bài viết biết, Tập đoàn Exxon Mobil sau khi khảo sát, muốn triển khai dự án đưa khí từ ngoài khơi vào bờ và xây nhà máy điện với tổng vốn 20 tỷ USD. Cụ thể, nhà máy điện có công suất giai đoạn một là 1.500 MW; giai đoạn hai 4.000-5.000 MW và nhà máy xử lý khí.

Để triển khai, Exxon Mobil xem xét hai phương án. Phương án 1, đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ ở khu vực Bàu Cá Cái (gần sát nhà máy lọc dầu Dung Quất) và xây nhà máy điện tại Quảng Ngãi. Phương án 2, đưa khí vào khu vực cảng Tam Hiệp (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và xây dựng nhà máy điện tại xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn), gần khu du lịch Thiên Đàng, Khu kinh tế Dung Quất.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng, nếu Exxon Mobil lựa chọn phương án đưa khí vào Khu kinh tế Dung Quất sẽ gặp nhiều thuận lợi. Đó là có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có (cảng biển nước sâu, hệ thống giao thông thuận lợi, có kho vật tư, phụ tùng, nhà xưởng...) của nhà máy lọc dầu.

Để giúp Exxon Mobil triển khai dự án, ông Cao Khoa (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) từng khẳng định, tỉnh này đã có kế hoạch cấp đất sạch theo yêu cầu của nhà đầu tư. Theo phương án nhà đầu tư đưa ra, cần địa điểm rộng khoảng 200 ha. Trong đó, 100 ha sẽ được đầu tư để xây dựng nhà máy điện công suất 1.500 MW. Giai đoạn 2, diện tích sẽ tăng lên 200 ha, phục vụ xây dựng nhà máy điện công suất 4.000-5.000 MW và nhà máy xử lý khí.

mo khi ca voi xanh va ky vong tu dai gia dau khi my exxon mobil Sớm kết thúc đàm phán khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh

Tiếp ông Paul Greenwood, Phó Chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil phụ trách khí và năng lượng tại Trụ sở Chính phủ chiều 10/10, Phó ...

Phong Cầm