Yen suy yếu, giá cao su TOCOM tiếp đà phục hồi
Giá cao su TOCOM tiếp đà phục hồi. Nguồn: rubberband.com |
Vào lúc 11h45 sáng ngày 9/2, giá cao su giao tháng 7/2017 giao dịch trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) tăng tiếp 2,8 yen so với chốt phiên hôm qua lên 309 yen/kg.
Trước đó, giá cao su TOCOM phiên 8/2 đã bắt đầu phục hồi khi giới đầu tư ngừng bán tháo và yen trên đà suy yếu so với USD. Đến sáng nay tại thị trường châu Á, yen tiếp tục suy yếu so với USD xuống giao dịch ở 112,18 yen.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), giá phần lớn hợp đồng cao su cũng ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp. Trong đó, giá cao su giao tháng 5/2017 - hợp đồng được giao dịch nhiều nhất – tăng tiếp 75 nhân dân tệ lên 20.790 nhân dân tệ/tấn.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 giao tháng 3/2017 cũng ngừng đà lao dốc và tăng 5 US cent lên 284 US cent/kg trong hôm qua.
Thị trường cao su tại châu Á dần khởi sắc khi triển vọng tiêu thụ có dấu hiệu cải thiện trong khi nguồn cung vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho biết, doanh số bán xe hơi tại EU dự kiến sẽ tăng khoảng 1% trong năm 2017,
Trong khi đó, sản lượng cao su Thái Lan dự báo sẽ giảm tới 7,6% trong niên vụ này do trận lũ lụt hồi đầu năm.
Tương tự tại Ấn Độ, Ủy ban Cao su cho hay, ngành cao su thiên nhiên sẽ thâm hụt 3,4 triệu tấn trong năm tài chính 201 7- 2018, đẩy nước này vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Trong đó, sản lượng cao su ước đạt 7,2 triệu tấn trong khi tiêu thụ mặt hàng này ước đạt 10,6 triệu tấn.
Chủ tịch KM Mammen của Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất lốp xe nhận định, sản lượng cao su nội địa sẽ vẫn thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu.
Theo đó, ngành cao su Ấn Độ có kiến nghị với Bộ Thương mại Ấn Độ miễn thuế nhập khẩu đổi với cao su, để giảm bớt mức thâm hụt nguồn cung. Hiện tại, giá cao su toàn cầu vẫn ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây nên việc đánh thuế mạnh với nhập khẩu mặt hàng này đang là trở ngại rất lớn đối với các doanh nghiệp chế biến cao su.