|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ý nghĩa các con số trên hợp đồng bảo hiểm, thời gian đóng phí 74 năm có bình thường?

11:24 | 12/04/2023
Chia sẻ
Các hợp đồng bảo hiểm thường rất dài và có nhiều thuật ngữ khó hiểu, tuy nhiên để tránh những rủi ro không đáng có hay tình cảnh "tiền mất, tật mang", người mua nên có cách hiểu đúng về những con số xuất hiện trong hợp đồng.

Thời gian đóng phí hơn 70 năm có bình thường?

Đóng bảo hiểm tới 74 năm là một trong những từ khoá được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây sau khi diễn viên Ngọc Lan (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ngọc Lan) đã phát trực tuyến (livestream) trên mạng xã hội về việc bị tư vấn sai lệch về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Nữ diễn viên đã rất lo lắng sau khi được nhân viên bảo hiểm MVI Life (tiền thân là Aviva Việt Nam) cho hay hợp đồng của cô có thời hạn đóng phí lên tới 74 năm chứ không phải 10 năm như lúc được nhân viên tư vấn ban đầu.

Thông tin hợp đồng của anh H. có "Thời hạn đóng phí" là 72 năm. (Ảnh chụp màn hình NVCC).

Cô mua bảo hiểm năm 34 tuổi, cộng với thời gian đóng phí bảo hiểm 74 năm có nghĩa là khi đó cô 108 tuổi. Điểm này làm nhiều người thắc mắc vì với các hợp đồng thông thường thời gian đóng phí sẽ không kéo dài như vậy.

Theo quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, thời hạn hợp đồng là khoảng thời gian tính từ ngày hiệu lực hợp đồng đến ngày kỷ niệm hợp đồng khi người được bảo hiểm đạt tới tuổi 99. Thời hạn hợp đồng được ghi trên trang hợp đồng hoặc xác nhận thay đổi hợp đồng (nếu có).

Chưa rõ thông tin cụ thể trong hợp đồng của Ngọc Lan là như thế nào tuy nhiên trên thực tế theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít hợp đồng bảo hiểm có thời gian đóng phí dài tới hàng chục năm.

Theo thông tin một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chúng tôi được chia sẻ, người mua có thời gian đóng phí là 72 năm, thời điểm hợp đồng có hiệu lực, bên mua 27 tuổi, như vậy tổng thời gian đến hết kỳ đóng phí là 99 tuổi.

Tuy nhiên, một điểm mà ở phần lớn hợp đồng mà chúng tôi tham khảo, người mua bảo hiểm sẽ không phải đóng phí (tức nộp tiền vào) trong suốt thời gian hạn của hợp đồng bảo hiểm này. 

Khoảng thời gian đóng phí bảo hiểm nhân thọ sẽ bằng với thời hạn của hợp đồng nhưng được phân ra nhiều giai đoạn: thời gian đóng phí bắt buộc (thường 4 năm); thời gian đóng phí linh hoạt kể từ năm thứ 4 trở đi.

Thời gian đóng phí dự kiến sẽ được bên bán bảo hiểm minh hoạ trên bảng, thông thường thấp hơn thời hạn của hợp đồng (có thể là 15 - 20 - 25 năm tuỳ theo từng trường hợp và sản phẩm thực tế).Trong lúc ngừng đóng tiền, người mua bảo hiểm vẫn tiếp tục được bảo vệ và chờ đáo hạn. 

 Minh hoạ về khoảng thời gian đóng phí của hợp đồng bảo hiểm.

Hợp đồng bảo hiểm của anh Đ. cung cấp cho chúng tôi có thời hạn đóng phí 25 năm, tuy nhiên bên mua bảo hiểm chỉ cần đóng phí trong 15 năm đầu tiên, sau đó không phải đóng thêm các khoản phí khác nữa cho tới khi đáo hạn hợp đồng.

Nếu muốn đáo hạn nhận về số tiền cao nhất thì khách hàng có thể đợi đến ngày đáo hạn.Nếu người mua bảo hiểm không chờ, thì người mua vẫn có thể rút về, nhận về giá trị hoàn lại. Tuy nhiên, số tiền nhận lại sẽ ít hơn giá trị đáo hạn đủ 25 năm.

 Thời gian đóng phí trong hợp đồng của anh Đ. là thời gian của hợp đồng (25 năm). (Ảnh: Huyền Phương).

 Bảng minh hoạ quyền lợi cho một hợp đồng có thời hạn đóng phí 25 năm, chỉ phải đóng vào 15 năm. (Ảnh: Huyền Phương).

Trong trường hợp khách hàng chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, khách hàng sẽ nhận lại được giá trị hoàn lại của hợp đồng tại từng thời điểm (được thể hiện trên bảng minh hoạ đính kèm hợp đồng). Cần lưu ý rằng giá trị hoàn lại tại những năm đầu tiên của hợp đồng có thể sẽ rất thấp so với tổng số phí bảo hiểm đã đóng.

Chỉ có phí bảo hiểm chính được tích luỹ

Trên thị trường bảo hiểm hiện nay, các công ty bảo hiểm nhân thọ thường bán nhiều dòng sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp gồm sản phẩm bảo hiểm chính và sản phẩm. Khi mua các gói sản phẩm này, người dùng cần lưu ý hiểu rõ thêm về các con số xuất hiện trong hợp đồng bảo điểm như mức phí, thời hạn,... để tránh rơi vào các trường hợp mù mờ, không nắm rõ quyền lợi bảo hiểm của mình.

Đối với hợp đồng hỗn hợp của các công ty bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm chính đương nhiên là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm phụ hay bổ sung đi kèm như: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, ung thư, bệnh hiểm nghèo,...

Trong số các sản phẩm này chỉ có sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là mức phí sẽ tích luỹ theo hàng năm. Như trong hợp đồng của chị Th. cung cấp cho chúng tôi dưới đây, phí bảo hiểm định kỳ hàng năm là 8.170.000 đồng. Mức phí này được tích luỹ theo bảng minh hoạ mà nhân viên tư vấn gửi tới khách hàng.

Với gói này, số tiền bảo hiểm tối đa theo hợp đồng đang là 500 triệu đồng được đền bù khi người được bảo hiểm gặp rủi ro nằm trong các quy định của hợp đồng bảo hiểm.

Thông tin một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của chị Th. cung cấp. (Ảnh: NVCC).

Với hai gói "Quyền lợi điều trị nội trú" và "Bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng mở rộng" là các loại có phí "rơi" hàng năm, tức là mỗi năm khách hàng sẽ phải đóng phí và số phí này dùng để bảo đảm quyền lợi trong năm đó, không tích luỹ vào các năm tiếp theo.

Như trường hợp dưới đây, các mức phí 2.360.000 đồng, 2.100.000 đồng và 2.370.000 đồng sẽ không tích luỹ hàng năm. Vì vậy, dù tổng phí bảo hiểm định kỳ là 15 triệu đồng nhưng thực chất, số tiền tích luỹ chỉ là 8,17 triệu đồng/năm.

Với các sản phẩm bảo hiểm phụ đi kèm, người mua bảo hiểm có thể kết thúc bất cứ lúc nào hoặc đóng gián đoạn, bởi các gói này chỉ tính phạm vi bảo hiểm theo năm.

Đóng bảo hiểm lợi tức người mua nhận được là bao nhiêu?

Một vấn đề nữa mà người dùng quan tâm là việc vậy thời hạn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể kéo dài đến 99 năm thì mức lợi tức mà khách hàng nhận được sẽ là bao nhiêu? Lợi tức có cao hơn đi gửi tiết kiệm?

Thông thường, nhân viên tư vấn sẽ phải gửi bảng minh hoạ cho khách hàng, trong đó bên cạnh giá trị hoàn lại như đã nói ở trên thì sẽ có thêm phần lợi tức dự kiến. Công ty bảo hiểm sẽ đưa ra các lựa chọn cho khách hàng để chọn vào các quỹ đầu tư theo mức độ rủi ro. Mức rủi ro càng cao thì lợi tức càng lớn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bảng minh hoạ này hoàn toàn chỉ mang giá trị tham khảo, các công ty bảo hiểm không có nghĩa vụ trả tiền theo bảng trên mà theo kết quả thực tế hoạt động của các quỹ.

Thông tin một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của khách hàng. (Ảnh: NVCC).

Với hình thức bảo hiểm thông thường, lãi suất từ số tiền tích luỹ của khách hàng thường sẽ thấp hơn lãi suất gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, trong ba năm đầu giá trị hoàn lại là rất thấp nên gần như không có chuyện tích luỹ tiền bằng bảo hiểm nhân thọ và nhận lợi khủng như một số tư vấn.

Với bảng minh hoạ ở trên, mức phí mỗi năm cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm phí "rơi) là 10,27 triệu đồng, năm thứ nhất và thứ hai nếu rút ra sẽ không được hoàn lại tiền.

Đến năm thứ ba số tiền hoàn là hơn 1,5 triệu đồng, năm thứ 4 là 12,3 triệu đồng, năm thứ 5 là 22,2 triệu đồng. Đến năm thứ 10, số tiền hoàn là 85,2 triệu đồng, thấp hơn 17,5 triệu đồng so với số tiền đóng thực tế.

Năm thứ 15, số tiền hoàn là 148 triệu đồng vẫn thấp hơn 5,9 triệu đồng so với số tiền đóng vào và phải đến năm thứ 18 số tiền hoàn lại mới gần bằng tổng số tiền đóng cho đơn vị bảo hiểm.

Như vậy, với những khách hàng có nhu cầu vừa bảo hiểm, vừa tích luỹ trong thời gian ngắn, rất khó để lấy lại đủ số tiền đóng ban đầu chứ chưa nói có lãi. Việc có lãi là do khách hàng tham gia mua chứng chỉ quỹ của các công ty bảo hiểm để sinh lời, tuy nhiên mức lãi lỗ này của chứng chỉ quỹ hoàn toàn do doanh nghiệp bảo hiểm công bố và khách hàng phải chấp nhận chứ không có lựa chọn hoàn, huỷ.

Bên cạnh những vấn đề về số tiền, thời gian, quy cách đóng, người mua bảo hiểm cũng nên lưu ý thêm về các điều khoản về sự kiện bảo hiểm, các khoản loại trừ thanh toán để hiểu rõ trong các tình huống có phát sinh sau này.

Liên quan đến trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan), Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn gửi MVI Life yêu cầu thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với diễn viên Ngọc Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm, việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, công tác dịch vụ và chăm sóc khách hàng đối với các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.

Đồng thời, xem xét trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.

Hạ An