|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xung đột Nga - Ukraine có thể mở ra một chương mới cho những ông lớn công nghệ như Facebook, Google, Twitter...

11:34 | 30/03/2022
Chia sẻ
Các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, Twitter,... hoàn toàn có thể thay đổi cấu trúc vận hành cũng như chính sách công ty sau những gì diễn ra tại Ukraine trong một tháng qua.

Facbook, Twitter, TikTok, YouTube,… đã thay nhau đăng tải video về cuộc xung đột Nga – Ukraine, biến đây thành các kênh chính về cuộc chiến, theo hãng tin AP.

Tuy nhiên, đây không phải lý do duy nhất khiến các công ty công nghệ phải thay đổi. Cuộc xung đột Nga – Ukraine buộc các Big Tech phải đối mặt với những thực tế địa chính trị mà họ đã cố gắng né tránh. Áp lực từ chính phủ các nước phương Tây kết hợp với cuộc chiến Nga – Ukraine khiến các Big Tech phải thay đổi mô hình hoạt động.

Lý do cho sự thay đổi này rất rõ ràng: Trong thời đại kỹ thuật số, các nền tảng internet gắn bó chặt chẽ với quyền lực chính trị. Chính phủ nhiều nước sử dụng Twitter, Facebook, YouTube và TikTok để tuyên truyền tư tưởng và đưa ra thông báo. Tương tự như vậy, có rất nhiều phong trào khác nổi lên từ đây.

Đại dịch COVID-19 khiến vai trò của các nền tảng kỹ thuật số trong chính trị và xã hội tăng lên. Những động lực này góp phần khiến cuộc xung độ Nga – Ukraine trở thành một điểm tín hiệu cho các nền tảng internet.

Đặc biệt, có 4 yếu tố có thể khiến cuộc xung đột này trở thành nguyên nhân thay đổi các Big Tech mãi mãi.

Chiến tranh phá vỡ khái niệm “phe trung lập”

Trong suốt lịch sử phát triển, các Big Tech cho rằng họ là các nền tảng trung lập chỉ phân phối thông tin và không chịu trách nhiệm về nội dung. Ngay cả sau nhiều năm gây áp lực lên Facebook, CEO Mark Zuckerberg vẫn tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 rằng công ty của ông không có trách nhiệm cấm những người theo thuyết âm mưu phát sóng trực tiếp trên nền tảng này.

Năm 2020, Facebook mới bắt đầu đi ngược lại bằng cách giới thiệu chính sách nội dung mới. Tuy nhiên, cùng lúc đó, các nền tảng internet lớn khác tiếp tục chống lại nỗ lực của chính phủ các nước nhằm buộc họ phải chịu trách nhiệm về nội dung. Họ không thực hiện các chức năng của nhà xuất bản vì khẳng định chỉ là những người phân phối thông tin.

 Các Big Tech giờ đây phải chọn phe. (Ảnh: AP).

Dù vậy, cuộc chiến ở Ukraine đã phá hủy định nghĩa “phe trung lập”. Trong trường hợp không nghiêng về phía Ukraine, các Big Tech có thể bị coi là người ủng hộ Điện Kremlin.

Do đó, YouTube thông báo đã chặn các cơ sở truyền thông nhà nước của Nga trên toàn cầu, xóa hơn 1.000 kênh và 15.000 video. Facebook hạn chế quyền truy cập vào các kênh truyền thông nhà nước Nga như RT và Sputnik ở EU, cũng như cấm các phương tiện truyền thông nhà nước Nga chạy quảng cáo hoặc kiếm tiền từ nền tảng này trên toàn thế giới. Twitter tạm dừng quảng cáo ở Ukraine và Nga, đồng thời giảm khả năng hiển thị của các tweet được đăng bởi các cơ quan truyền thông liên kết với nhà nước Nga. Apple đình chỉ tất cả các hoạt động bán sản phẩm tại Nga.

Công ty phát trực tuyến âm thanh Spotify đã đóng cửa văn phòng tại Nga cũng như xóa tất cả nội dung khỏi RT và Sputnik. Netflix cũng đã đình chỉ dịch vụ của mình ở xứ Bạch Dương.

Big Tech giờ đây không còn đơn giản hoạt động như những nhà cung cấp công nghệ trung lập nữa. Hiện họ đang đưa ra những đánh giá có giá trị rõ ràng hơn về cuộc chiến. Những hành động này mâu thuẫn với các chính sách nội dung trước đây và cho thấy rằng các công ty đang viết lại quy tắc của họ để phản ứng với các sự kiện toàn cầu.

Áp lực từ chính phủ tăng lên

Áp lực từ chính phủ các nước đối với các nền tảng internet trong việc kiểm duyệt nội dung không phải là điều mới mẻ.

Ví dụ, chính phủ Nigeria đã đình chỉ Twitter trong 7 tháng cho đến khi công ty đồng ý mở văn phòng tại quốc gia này và làm việc với chính phủ để thiết lập “quy tắc ứng xử”, một điều mà các nhà hoạt động lo ngại có thể gây nguy hiểm cho quyền tự do ngôn luận.

Trong giai đoạn chuẩn bị, sự ép buộc từ phía Nga dường như tăng lên. Tháng 9/2021, các đặc vụ Nga đã đến nhà một giám đốc điều hành hàng đầu của Google ở ​​Moscow để đưa ra một tối hậu "hãy gỡ xuống một ứng dụng đã gây phẫn nộ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vòng 24 giờ hoặc sẽ bị đưa vào tù", theo Washington Post.

Sau khi Facebook quyết định chặn các cơ sở tuyên truyền của Nga, nhưng cho phép người dùng ở Ukraine kêu gọi bạo lực, một tòa án Nga đã dán nhãn công ty mẹ Meta là "cực đoan" và cấm Facebook cũng như Instagram ở nước này.

Nga không phải là quốc gia duy nhất tăng cường các biện pháp cưỡng chế đối với các nền tảng trực tuyến. Chính phủ Ấn Độ đã cho phép tấn công mạng vào văn phòng Twitter để trả đũa việc nền tảng này gắn nhãn bài đăng của một thành viên quốc hội là “phương tiện truyền thông bị thao túng”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng áp đặt luật xóa nội dung và bản địa hóa dữ liệu bằng các khung hình phạt hình sự.

Các ứng dụng nội địa có thể lên ngôi

Tất nhiên, không phải tất cả công ty công nghệ sẽ ban hành các chính sách chống lại chính phủ các nước. Họ vẫn duy trì những mối quan hệ giúp họ thu được nhiều hợp đồng béo bở. Nhiều công ty tiếp tục tìm kiếm các thỏa hiệp và khiến người dùng của họ gặp rủi ro.

Ví dụ: Trong khi TikTok đã tuân theo các nền tảng của Mỹ trong việc cấm tuyên truyền các kênh truyền thông của Nga, công ty cũng đã chọn tuân thủ các yêu cầu kiểm duyệt của Điện Kremlin bằng cách xóa 95% nội dung không phù hợp với người dùng Nga. Kết quả là một nguồn thông tin quan trọng về cuộc chiến đã bị xóa đi.

Tại Ấn Độ, Twitter cũng đình chỉ hàng trăm tài khoản người dùng có liên quan đến các cuộc biểu tình của nông dân và chặn hàng trăm tweet ủng hộ nông dân bị chính phủ cho là gây tranh cãi. Gã khổng lồ Google cũng đã làm điều tương tự tại thị trường tỷ dân này.

 WeChat được hưởng lợi khi Trung Quốc cấm Google và Facebook. (Ảnh: Android Authority).

Việc phát triển các ứng dụng và nền tảng thay thế cũng giúp chính phủ các nước dễ kiểm soát hơn. Tại Trung Quốc, lệnh cấm Google và Facebook vào khoảng năm 2010 đã giúp mở đường cho WeChat trở thành nền tảng kỹ thuật số hàng đầu của đất nước. WeChat sau đó cũng đóng vai trò như một công cụ giám sát và kiểm duyệt mạnh mẽ đối với nhà nước Trung Quốc, được các cơ quan an ninh quốc gia sử dụng để theo các bài đăng công khai và riêng tư, lọc ra hàng tỷ tin nhắn dựa trên các trình kích hoạt từ khóa.

Ở Nga, công cụ tìm kiếm nội địa Yandex cũng chỉ cho phép đăng các bài viết liên quan đến cuộc chiến từ 15 cơ quan truyền thông được Điện Kremlin chấp thuận. Thực tế, có rất nhiều nền tảng khác sẵn sàng đi trái lại xu hướng để giành thị phần.

Trách nhiệm mới xuất hiện sau xung đột Nga - Ukraine

Vai trò nổi bật của các nền tảng trực tuyến trong việc dàn xếp thông tin về cuộc xung đột ở Ukraine đặt ra một câu hỏi liên quan: Các công ty internet có nghĩa vụ gì theo luật nhân đạo quốc tế? Các bài đăng thường xuyên trên mạng xã hội về hình ảnh mô tả các tù nhân trong cuộc chiến có vi phạm các quy định của Công ước Geneva không? Các chuẩn mực như vậy vẫn còn sơ khai, nhưng vai trò thống trị của các nền tảng kỹ thuật số trong cuộc xung đột đã bất ngờ đưa những vấn đề này trở thành tâm điểm và khó có thể biến mất.

Trong nhiều năm, các công ty công nghệ đã tránh đưa ra những lựa chọn khó khăn về nơi hoạt động và cách họ đối phó với chính phủ các nước. Thay vào đó, họ tìm giải pháp thực hiện theo cả hai cách: Lặng lẽ chấp nhận các yêu cầu kiểm duyệt và đồng ý với các thỏa thuận không rõ ràng.

Cách tiếp cận đó bị coi là “đạo đức giả” và chỉ có tác dụng khi không có nhiều người chú ý. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga – Ukraine là sự kiện lớn, được cả thế giới quan tâm, khiến lập trường của các công ty thay đổi.

Các nền tảng công nghệ không chỉ đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc đưa ra các chính sách nhất quán về xử lý thông tin trong thời chiến, mà còn phải tìm ra cách điều hướng xã hội toàn cầu, vốn ngày càng trở nên xấu đi.

Các nước phương Tây đang tính đến những quy định mới để hạn chế cách các nền tảng công nghệ hoạt động và cân nhắc nhiều hơn đến sự cân bằng giữa việc cho phép tự do ngôn luận và chống lại thông tin và tuyên truyền sai lệch. Big Tech cũng sẽ phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư trong việc biện minh cho việc bỏ qua các nguồn doanh thu bằng cách rút lui khỏi các thị trường khắt khe.

Trong khi đó, chính phủ nhiều nước sẽ tiếp tục sử dụng đòn bẩy đối với các công ty công nghệ, đe dọa đóng cửa họ khỏi thị trường hoặc ủng hộ các ứng dụng nội địa có thể được kiểm soát hiệu quả hơn. Tất cả tạo nên một bối cảnh khó lường và đầy biến động trong những năm tới.

 

 

Quốc Anh