|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất siêu gần 30 tỷ USD vào Mỹ: Mừng nhưng chưa hết lo

10:53 | 17/01/2017
Chia sẻ
Báo cáo của Bộ Công thương về tình hình XNK của Việt Nam năm 2016 cho thấy, xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 29,4 tỷ USD, cao nhất trong các nước Đông Nam Á. - Nông nghiệp, nông thôn ngày nay, nông thôn mới, lúa nước, ngàn năm văn hiến, trống đồng, hợp tác xã, công nông nghiệp

Mặc dù đây là điều đáng mừng, song theo nhiều chuyên gia, chưa hẳn đã hết lo.

Hàng Việt vào Mỹ ngày càng nhiều

Bộ Công thương vừa công bố báo cáo tình hình XNK năm 2016. Theo đó, Mỹ và EU là hai thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, bất chấp những khó khăn trong thời gian qua.

xuat sieu gan 30 ty usd vao my mung nhung chua het lo

Thủy sản là một trong những mặt hàng XK đạt kim ngạch cao của Việt Nam vào thị trường Mỹ

Cụ thể, trong năm 2016, Mỹ chi tới 38,1 tỷ USD mua các loại hàng hoá từ Việt Nam song chỉ xuất sang nước ta lượng hàng hoá đạt giá trị 8,7 tỷ USD. Như vậy Mỹ nhập siêu hơn 29 tỷ USD từ Việt Nam năm 2016.

TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới, khẳng định, tình trạng trên đã kéo dài từ nhiều năm nay và không quá ngạc nhiên đối với các chuyên gia.

Theo TS Sơn, Việt Nam chủ yếu XK các mặt hàng nông sản, thủy sản, giày da, dệt may vốn có lợi thế sẵn nguyên liệu và gia công giá rẻ.

Đơn cử dệt may được xem là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất với trị giá hơn chục tỷ USD, chiếm gần 40% tổng giá trị XK vào thị trường này. Ngoài dệt may, còn có 4 mặt hàng khác vào Mỹ đạt giá trị từ 1 tỷ USD trở lên gồm: giày dép các loại, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm gỗ…

Phải khẳng định có được kết quả xuất siêu vào Mỹ là đáng mừng bởi vì thị trường Mỹ có những tiêu chuẩn rất khắt khe và mức độ cạnh tranh cũng rất cao. Hàng hóa muốn vào được thị trường này phải đáp ứng được về xuất xứ, chất lượng và cạnh tranh tốt về giá cả.

“Đứng về mặt XK thì việc Mỹ nhập siêu từ Việt Nam là 1 tín hiệu tốt. Tức là chúng ta vẫn xuất được hàng hóa vào thị trường khó tính Mỹ. Đặc biệt trong năm 2016, chúng ta đã đưa được 1 số một số loại quả, nông sản vào Mỹ. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ này thì tiềm năng XK quả và rau sạch nhiệt đới của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ thuận lợi hơn”, ông Sơn phân tích.

Theo ông Sơn, Việt Nam xuất sang Mỹ được 38,1 tỷ USD nói lên rằng, hàng hóa Việt Nam có khả năng bán được ở thị trường khó tính. Hơn nữa, Việt Nam bán được một số lượng hàng tương đối lớn chứng tỏ hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh khá.

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch XK của Việt Nam năm 2016 đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch XK đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015. Cũng trong năm qua, Việt Nam NK 173 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015. Như vậy, năm ngoái, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch XK.

Ngoài ra, một khi hàng hóa của Việt Nam đã xâm nhập được vào một thị trường với rất nhiều luật lệ quy định về kỹ thuật và chất lượng như Mỹ thì hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn nhiều để xâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.

Phải tìm cách XK bền vững

Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, việc xuất siêu sang thị trường Mỹ cũng vẫn tiềm ẩn những nỗi lo. Lo là thặng dư thương mại lớn với thị trường này chủ yếu là từ kim ngạch XK hầu hết là hàng gia công, chứ không phải chế biến sâu.

Điều đáng nói là những mặt hàng xuất siêu sang Mỹ hiện nay thuộc về nhóm dệt may, da giầy…, ngoài việc tạo ra được công ăn việc làm thì đây lại chủ yếu là các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, đó là chưa kể các mặt hàng này phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Khắt khe hơn trong nhận định thị trường, TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, cho rằng, xuất siêu sang Mỹ không có gì tốt cả. Đáng ra đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì chúng ta phải là người nhập siêu từ Mỹ.

Vì những nước đi sau khi muốn phát triển lên phải nhập máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại từ Mỹ. Trong khi đó chúng ta ở trạng thái ngược lại. Chúng ta không nhập công nghệ từ Mỹ vì giá cả thường đắt. Nền công nghệ Việt Nam đang lệ thuộc vào công nghệ giá rẻ từ Trung Quốc.

“Tất cả các nước đều muốn buôn bán ở thị trường Mỹ để nhằm mục đích bán sản phẩm và mua luôn các loại công nghệ. Tất cả các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản đều phải làm vậy”, TS Thắng nhấn mạnh.

Tiếp tục phân tích, TS Phạm Tất Thắng khẳng định, trong năm 2017, Việt Nam phải tận dụng những lợi thế sẵn có để đẩy mạnh XK thêm các mặt hàng vào thị trường này, nhất là các mặt hàng chế biến sâu. Ngoài ra, để nâng cao giá trị XK sang thị trường Mỹ, yêu cầu đặt ra cấp thiết là Việt Nam phải phát triển bền vững.

“Từ trước đến nay nông sản, thực phẩm của Việt Nam chất lượng cũng tốt rồi. Tuy nhiên nếu muốn XK bền vững vào thị trường Mỹ thì cần phải nghiên cứu được chuỗi giá trị gia tăng và tính đến mọi khâu chúng ta có lợi nhất. Từ đó áp dụng KH-CN để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên cũng cần phải hết sức lưu ý giữ gìn, đảm bảo chất lượng và uy tín của những mặt hàng đã XK vào thị trường Mỹ. Thời gian vừa qua có 1 số sản phẩm của Việt Nam không tốt đã bị phía Hoa Kỳ từ chối”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tân Yên