|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga tăng trở lại trong khi Ukraine tiếp tục giảm sâu

06:00 | 12/05/2022
Chia sẻ
Sau hai tháng sụt giảm liên tiếp do ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine, xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Nga đã phục hồi và tăng mạnh trở lại trong tháng 4. Trái lại, giao thương với Ukraine tiếp tục giảm sâu.

Thương mại Việt Nam - Nga có dấu hiệu phục hồi?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga trong tháng 4 đạt 79 triệu USD, tăng mạnh 68% so với tháng trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam vào Nga, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Hàng dệt may đạt gần 19 triệu USD, tăng 152,2%; Cà phê đạt 18,4 triệu USD, tăng 211,4%; thủy sản đạt 7,5 triệu USD, tăng 188,3%; rau quả tăng 97,3%...

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu cao su sang thị trường Nga trong tăng tới hơn 6 lần trong khi hồ tiêu tăng gấp gần 10 lần so với tháng trước. Ngoài ra, gạo, sắt thép và sản phẩm gốm, sứ cũng được xuất khẩu trở lại vào thị trường Nga sau một tháng bị gián đoạn.

Mặc dù vậy, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nga như: Giày dép, chè, điện thoại các loại… tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga tuy đã có tín hiệu tích cực hơn song nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. Điều này dẫn đến tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga trong 4 tháng đầu năm nay giảm 43,9% so với cùng kỳ, xuống còn 621,9 triệu USD.

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 971 triệu USD hàng hóa từ Nga trong 4 tháng, tăng mạnh 48,2% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, hàng hóa từ Nga nhập khẩu vào Việt Nam cũng cho thấy sự phục hồi mạnh trở lại khi tăng 69% so với tháng trước và tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 267,2 triệu USD,.

Mức tăng này chủ yếu đến từ mặt hàng than, mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ Nga với 156,9 triệu USD, tăng mạnh 287,4% so với tháng trước. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hóa chất, chất dẻo, quặng và khoáng sản khác từ Nga về Việt Nam cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số loại nguyên liệu sản xuất khác của từ Nga vào Việt Nam giảm khá mạnh như phân bón, gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường, máy móc, thiết bị, lúa mỳ, sắt thép…

Xuất nhập khẩu với Ukraine tiếp tục giảm sút

Trái ngược với thị trường Nga, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ukraine trong tháng 4 tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,2 triệu USD, giảm 15,3% so với tháng trước và thấp hơn rất nhiều so với 31,4 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Ukraine trong thời gian qua là điện thoại các loại, thủy sản, máy vi tính…

Trong khi đó, hàng hóa từ Ukraine vào Việt Nam cũng giảm sâu xuống còn 2,4 triệu USD từ 40,7 triệu USD vào tháng trước. 

Trong bối cảnh cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có hồi kết, các chuyên gia cho rằng tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với hai thị trường này sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Thậm chí ngay cả khi cuộc xung đột kết thúc, xuất khẩu sang hai thị trường này dự kiến cũng sẽ mất nhiều thời gian khôi phục trở lại do tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga và nhu cầu tiêu dùng giảm sút.

Mặc dù Nga và Ukraine chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta song đây đều là những thị trường xuất khẩu tiềm năng mà các doanh nghiệp hướng đến trong những năm gần đây. 

Những thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thay thế khác.

   Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Liên quan đến vấn đề nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp từ Nga và Ukraine. TTXVN đưa tin,  ngày 4/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông đang tìm kiếm đối thoại để có thể đưa các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga và Ukraine trở lại các thị trường trên thế giới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng “ba chiều” mà cuộc chiến Ukraine gây ra cho các nước đang phát triển.

Chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moskva đã làm gián đoạn chuỗi cung lúa mỳ cũng như các sản phẩm lương thực khác từ cả hai nước và đẩy giá xăng dầu lên cao, làm ảnh hưởng tới tình hình lạm phát ở các nước đang phát triển.

Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu hàng đầu về lúa mỳ, ngô, dầu hạt cải và dầu hoa hướng dương. Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu khí đốt và phân bón lớn nhất thế giới.

Hoàng Hiệp