Xuất khẩu vàng có thể đạt hơn 2 tỷ USD/năm nếu có chính sách thuận lợi
Những bất cập trong Nghị định 24
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 5/2012. SJC là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước giao cho gia công vàng miếng. Trong khi đó, nhu cầu vàng trong trong nước vẫn tăng qua từng năm, khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới.
Trong hai tuần qua, thị trường vàng trong nước và thế giới biến động mạnh. Giá vàng thế giới chạm mốc 2.100 USD/ounce còn vàng SJC đạt 74,6 triệu đồng/lượng. Đây đều là ngưỡng kỷ lục mới.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới dường như ngày càng nới rộng ra, ở mức 14 triệu đồng/lượng, so với mức khoảng 10 triệu đồng/lượng hồi đầu năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA), cho biết thị trường vàng Việt Nam chưa được liên thông với thế giới nên biến động về giá không cùng nhịp.
Các doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu khó khăn khi doanh nghiệp khó chứng minh được nguồn gốc vàng nguyên liệu trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và rủi ro có thể "dính" vào vàng nhập lậu cao.
Theo ông Bảng hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức đang hoạt động rất cầm chừng, không dám mua nhiều nguyên liệu. Mặc dù mua vàng nguyên liệu ngoài thị trường có hoá đơn của người bán nhưng cũng không đảm bảo nguồn gốc và liệu có phải nhập lậu hay không.
Ngoài ra, theo ông, mức thuế xuất khẩu dành cho vàng trang sức, mỹ nghệ dù đã được giảm xuống 1% nhưng vẫn là trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp.
Giá vàng SJC Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới thể hiện một điều rằng nhu cầu trong nước rất lớn trong khi nguồn cung thiếu hụt. Trong lúc này, hoạt động sản xuất của các ngành khó khăn, các kênh đầu tư rủi ro khác cũng đi xuống, càng khiến nhu cầu vàng lớn hơn. Do đó, mức độ cách biệt giữa vàng SJC và thế giới càng kéo xa hơn.
“Trong hơn 10 năm qua, vàng SJC không được sản xuất thêm. Chưa kể một lượng không nhỏ vàng SJC được đưa ra làm vàng trang sức khiến nguồn cung đã ít nay càng giảm thêm” ông Bảng cho biết.
Đại diện của VGTA nói thêm Nghị định 24 ban đầu phát huy rất tốt vai trò ổn định thị trường vàng trong nước, không còn những “con sốt” như trước đây. Việc điều hành thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng rất hiệu quả.
Tuy nhiên, Nghị định này đã được ban hành quá lâu và cần được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh hiện tại.
“Không có Nghị định nào để lâu như vậy mà chưa có sự điều chỉnh, đặc biệt là những luật liên quan đến thị trường. Nhiều điều trong Nghị định 24 không còn phù hợp. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng đang có chủ trương đánh giá lại Nghị định 24 để sửa đổi những điều chưa phù hợp và kế thừa những điểm tích cực, một mặt đảm bảo quản lý hiệu quả, mặt khác phát triển thị trường vàng.”, ông nói.
Theo Báo Công Thương, các chuyên gia và các doanh nghiệp cho rằng đã đến lúc, Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định 24. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát đầy đủ, cần tăng nguồn cung để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
Các doanh nghiệp vàng cho rằng, nhà nước chưa cần thiết nhập khẩu một lượng lớn vàng nguyên liệu mỗi năm mà chỉ cần tuyên bố có lộ trình thực hiện tăng nguồn cung vàng miếng, kéo giảm mức độ chênh lệch giá vàng trong nước với giá thế giới. Khi đó, giá vàng SJC có thể giảm mạnh hàng triệu đồng/lượng.
Giải pháp nào cho thị trường vàng?
Ông Đinh Nho Bảng cho biết những quốc gia trong khu vực thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây.
Vừa qua, VGTA đã có chuyến khảo sát Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore. Các nước này đã thay đổi nhiều về chính sách quản lý việc mua - bán vàng. Việc xuất nhập khẩu vàng tự do hơn, giúp thị trường trong nước liên thông với thế giới. Do đó, giá trong nước biến động theo quốc tế.
Ông Bảng cho biết các nước trong khu vực một năm thu về 6 - 10 tỷ USD từ việc xuất khẩu vàng. Nếu Việt Nam có chính sách thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu vàng ước tính đạt 2,1 - 2,6 tỷ USD/năm.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm trong 11 tháng đạt 811 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị không khuyến khích vàng miếng mà thay vào đó, tập trung nhiều vào vàng trang sức để tạo công ăn việc làm và xuất khẩu. Nhiều nước, vàng trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
Ngoài ra, vàng trang sức mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Vì vàng trang sức có thêm công chế tác còn vàng miếng chỉ là mua qua bán lại người này qua người khác, không sản xuất thêm.