|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm một nửa trong quý I

11:51 | 05/05/2023
Chia sẻ
Mặc dù nhu cầu tôm của Trung Quốc tăng mạnh trong quý I nhưng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm còn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo trang Undercurrent News, dữ liệu mới nhất của hải quan Trung Quốc cho thấy quốc gia này đã nhập khẩu lượng tôm kỷ lục trong ba tháng đầu năm 2023. 

 

Theo đó, lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái lên 274.479 tấn. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,4 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu trong tháng 3 đạt ngưỡng kỷ lục 105.687 tấn, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giá tôm nhập khẩu trung bình của Trung Quốc trong tháng 3 ở mức 5,5 USD/kg, tăng nhẹ so với 5,3 USD/kg hồi tháng 2 - mức thấp nhất trong vòng 2 năm. 

Nguồn: Undercurrent News, Hải quan Trung Quốc (Việt hoá: H.Mĩ)

Ông Gorjan Nikolik, nhà phân tích thủy sản trưởng của Rabobank, cho biết Trung Quốc dự kiến nhập khẩu 1 triệu tấn tôm, trị giá 7 tỷ USD vào năm 2023. Tăng trưởng Trung Quốc là một sự cần thiết trong 2023 khi giá tôm tương đối thấp, ngành tôm cần một thị trường tiêu thụ mạnh.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay. Vì vậy, 1 triệu tấn nhập khẩu hoàn toàn khả thi. Ông cho biết các nước sản xuất tôm sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc. Dù Trung Quốc luôn có chính sách tự cung tự cấp lương thực, chính sách này vẫn chưa thực sự hiệu quả đối với hải sản. 

Cho đến nay, Ecuador vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc trong quý I với lượng tăng 43% lên 179.094 tấn. Ấn Độ đứng vị trí thứ hai 25.796 tấn, tăng 16%. 

Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước xuất khẩu nhiều tôm nhất sang Trung Quốc trong tháng 3 với lượng 893 tấn, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, nếu so sánh với tháng 2, con số này tăng trưởng gấp đôi. 

Số liệu: Undercurrent News,Hải quan Trung Quốc(H.Mĩ tổng hợp)

Tính chung quý I, lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1.904 tấn. 

Thị phần tôm của Việt Nam trong tháng 3 thu hẹp từ 3% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1%.

Số liệu: Undercurrent News, Hải quan Trung Quốc (H.Mĩ tổng hợp)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra liên quan đến nguồn cung nguyên liệu từ chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát vùng nuôi; tỷ lệ diện tích và sản lượng tôm nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận GAP, hữu cơ... còn thấp.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với VASEP và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam diễn ra ngày 13/4, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết hiện tại giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam cao hơn 30% so với Ấn Độ và cao hơn gấp đôi so với Ecuador đã làm con tôm Việt Nam mất sự cạnh tranh so với tôm các nước.

Ông Quang chỉ ra một số vấn đề tồn tại hiện nay đã làm cho ngành tôm Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các quốc gia nuôi tôm khác như Ấn Độ, Ecuador.

Theo đó, ngành tôm Việt Nam mất 10.000 tỷ đồng vì thói quen nuôi tôm có sử dụng kháng sinh của người dân. Chi phí này bao gồm tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến. Đây là khoảng chi phí không nhỏ và kéo dài hàng chục năm qua. Chi phí kiểm kháng sinh ở các nước nhập khẩu  mà doanh nghiệp phải chịu và bị trừ vào giá bán.

 

 

H.Mĩ

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.