|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm sang Nhật đối mặt với rào cản và nguy cơ mất thị trường

17:10 | 26/12/2016
Chia sẻ
Nhật Bản là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 18% tổng kim ngạch xuất tôm trong 10 tháng đầu năm nay, chỉ sau Mỹ và EU. Tuy nhiên, lượng tôm xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm trong thời gian qua do "vấp" phải rào cản kỹ thuật khắt khe về kiểm dịch. 

Xuất khẩu giảm

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) cho biết, tổng lượng tôm nhập Nhật Bản nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 132 nghìn tấn, tương đương với 1,4 tỷ USD.

Trong đó, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm trên 23% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm vào nước này. Tuy nhiên, Nhật đang có xu hướng tăng nhập khẩu từ Ấn Độ và Argentina do lợi thế giá rẻ và nguồn cung ổn định trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia do giá cao hơn.

Cụ thể trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tính riêng trong tháng 10 tăng khoảng 8%, theo số liệu của VASEP.

Trong 10 tháng đầu năm, Nhật Bản là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU, với tỷ trọng hơn 18% trong tổng xuất khẩu tôm. Trong đó, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất với 54%; tiếp sau là tôm sú (30%) và tôm biển (16%).

Mặc dù kim ngạch sụt giảm trong những tháng qua song VASEP dự báo, hết năm nay xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản vẫn sẽ tăng nhẹ khoảng 3% lên 601 triệu USD.

"Vấp" rào cản kỹ thuật

Việc Nhật Bản ngày càng áp dụng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm là thách thức rất lớn đối với thủy sản nói Việt Nam chung và ngành tôm nói riêng.

Cụ thể, thay vì chỉ kiểm tra 30% lô hàng như trước đây, Nhật Bản vừa ra thông báo sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng tôm nhập từ Việt Nam. Mặt khác, danh sách các loại kháng sinh cấm bị Nhật Bản kiểm tra cũng ngày càng dài thêm. Trước đây, Nhật chỉ kiểm tra một chất kháng sinh thì nay, danh sách đã có thêm bốn chất nữa nằm trong nhóm kim loại nặng và độc tố sinh học.

Theo thông tin mới từ Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), phía Nhật Bản vừa phát đi thông báo nhằm gia tăng tần suất kiểm tra chỉ tiêu Sulfadiazine trong các lô hàng tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam kể từ ngày 6/12/2016.

Nguyên nhân là trong thời gian qua, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản liên tục phát hiện dư lượng Sulfadiazine trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam (mức giới hạn tối đa cho phép của thị trường Nhật Bản đối với chỉ tiêu Sulfadiazine trên tôm là 0,01ppm).

Bộ Y tế Nhật Bản đề nghị phía Việt Nam khẩn trương có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và thông báo kết quả cho phía Nhật Bản.

Đại diện Nafiqad cho biết, đối với các doanh nghiệp có lô hàng bị Nhật cảnh báo phải khẩn trương điều tra nguyên nhân; thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp, lập báo cáo giải trình gửi về Nafiqad đúng hạn để tổng hợp thông báo cho phía Nhật Bản.

Mới đây, tại Hội nghị bàn tròn về thủy sản 2016 do VASEP tổ chức với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam”, ông Võ Văn Phục - Giám đốc công ty VINACLEANFOOD phát biểu, với 7.000 tấn sản phẩm tôm sản xuất ra thị trường, công ty phải mất 700 nghìn USD để kiểm tra hàm lượng kháng sinh và cộng thêm chi phí lấy mẫu kiểm tra ở các thị trường nhập khẩu tôm, nên chi phí của doanh nghiệp bị đội lên rất nhiều.

Ts. Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản cũng cho biết, công tác quản lý chất lượng tôm ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và không thể kiểm soát tận gốc các cơ sở sản xuất. Từ đó, mỗi năm doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí để kiểm tra tiêu chuẩn chất kháng sinh.

Theo VASEP

Hồng Vũ