|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm sang EU bứt phá ngoạn mục, tăng 86% trong tháng 11

17:48 | 28/12/2021
Chia sẻ
Tháng 11, xuất khẩu tôm đạt 366 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU bứt phá ngoạn mục, đạt 66,5 triệu USD, tăng 86%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (VASEP), xuất khẩu tôm tháng 11 tăng 16% đạt trên 366 triệu USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU đạt 66,5 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang 3 thị trường chính trong khối EU đều tăng đột phá, Hà Lan tăng 47%, Đức tăng 87% và Bỉ tăng 118%.

Ngoài ra, một số thị trường khác trong khối cũng tăng ngoạn mục như sang Pháp tăng 161%, Đan Mạch tăng 99%, Thụy Điển tăng 196%, Italia tăng 123%...

Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU tăng 16% đạt 548 triệu USD và chiếm 15% tổng xuất khẩu tôm của cả nước.

Xuất khẩu tôm sang EU bứt phá ngoạn mục, tăng 86% trong tháng 11 - Ảnh 1.

(Nguồn: VASEP)

Hiện, Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm tôm thẻ chân trắng hấp/luộc, đồng thời là nhà sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu tôm sú lớn thứ hai sang châu Âu.  

Các sản phẩm tôm của Việt Nam cung cấp cho siêu thị, chợ thực phẩm cao cấp ở châu Âu nhờ các doanh nghiệp có kinh nghiệm chế biến, nhiều sản phẩm được chứng nhận ASC.

Tại các thị trường này, các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam gặp ít hoặc không có sự cạnh tranh.

VASEP cho biết thêm trong khối EU, Hà Lan, Đức và Bỉ là 3 nước nhập khẩu tôm nhiều nhất, chiếm 70% lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Xuất khẩu tôm sang EU bứt phá ngoạn mục, tăng 86% trong tháng 11 - Ảnh 2.

(Nguồn: VASEP)

Tôm Việt Nam được nhập khẩu vào châu Âu qua gần 80 cảng ở các nước. Trong đó, nhập khẩu qua cảng Rotterdam (Hà Lan) chiếm tỷ trọng cao nhất gần 23%, tiếp đến là cảng Hamburg (Đức) chiếm trên 14% lượng thông quan, cảng Antwerpen (Bỉ) chiếm trên 12% lượng thông quan.

Ba quốc gia Tây Bắc Âu liền kề này có bờ biển giáp Biển Bắc được coi như trung tâm thương mại thủy sản lớn, cửa ngõ đến các thị trường khác của châu Âu.

Các công ty thủy sản của Hà Lan, Đức và Bỉ có kỹ năng kinh doanh và thương mại. Các cơ quan pháp lý, thuế và hải quan cũng được thiết lập tốt để xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu.

Sản phẩm được vận chuyển và di chuyển qua các cảng biển và kho hàng của họ và đến các điểm đến khác ở Châu Âu.

Nhập khẩu của các quốc gia này cao, tương đương với lượng tái xuất khẩ. Vì vậy, sự gia tăng nhập khẩu không nhất thiết đồng nghĩa với sự gia tăng tiêu dùng ở ba quốc gia này.

Hoàng Anh